CLIP: Mô hình chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi lợn đen phát triển kinh tế của gia đình chị Quàng Thị Đích, Bản Hồng Khoong, Xã Thanh An, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Quàng Thị Đích, Bản Hồng Khoong, xã Thanh An (huyện Điện Biên), từ hộ gia đình có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn trong xã, giờ đây gia đình chị đã là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Hiện chị Đích đang nuôi lợn thương phẩm, nuôi gà đẻ, bán tạp hóa, thức ăn chăn nuôi, làm đậu, nấu rượu.
Với cách làm lấy ngắn, nuôi dài, hàng ngày chị Đích nấu rượu và làm đậu phụ; bã đậu và bỗng rượu làm thức ăn nuôi lợn, gà.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Quàng Thi Đích, bản Hồng Khoong, xã Thanh An, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn đen đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ảnh: Thu Hường.
Chị Đích chia sẻ: "Không có vốn, thì không thể làm gì được. Năm 2021, được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng, tôi mạnh dạn đầu tư nâng cấp lại chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi nuôi lợn lên 30 con giống mỗi lứa.
Tôi chọn nuôi giống lợn Móng Cái sinh trưởng, tăng trọng nhanh, ít bị dịch. Mỗi năm tôi nuôi gối khoảng 4 lứa, mỗi lứa từ 25 - 30 con. Trung bình mỗi năm xuất bán từ 8 - 10 tấn lợn thịt, với giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg".
"Ngoài nuôi lợn tôi còn nuôi khoảng 100 con gà, ngan lấy trứng. Tận dụng phế phẩm bã, bỗng từ nấu rượu, làm đậu phụ để làm thức ăn cho lợn và gà, mỗi năm cũng tiết kiệm được một khoản khá tiền thức ăn chăn nuôi.
Mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí tôi để ra hàng trăm triệu đồng. Tôi mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị trong gia đình, nuôi được 2 con ăn học đại học, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định", chị Đích cho biết.
Bà Cà Thị Xương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: "Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn.
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong đó, Hội chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến hội viên; tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động ủy thác cho vay và kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả...
Hội tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả… giúp các hộ dân từng bước phát triển sản xuất kinh doanh".
Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Thanh An đang nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH quản lý nguồn vốn vay hơn 16 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách; có 5 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn với 226 hội viên được tiếp cận nguồn vốn này. Các chương trình cho vay ưu đãi tập trung vào cho vay hộ cận nghèo, vốn giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường
Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có tác động tích cực đến đời sống hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã.
Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác ngân hàng chính sách, Hội Phụ nữ xã Thanh An đã cải thiện, nâng cao đời sống cho hơn 200 hội viên phụ nữ trong xã. Chị em hội viên phụ nữ đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Đời sống của bà con ngày càng phát triển. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.