Loại cây dại mọc hoang ở Điện Biên tưởng chỉ nhổ vứt đi lại là đặc sản ngon lạ lùng

H.m (Theo PNVN) Thứ sáu, ngày 14/10/2022 13:37 PM (GMT+7)
Đến với vùng đất Điện Biên, du khách sẽ được người dân nơi đây mời thưởng thức một món ăn mà chắc chắn nếm một lần sẽ khó lòng nào quên. Đó là những đặc sản được chế biến từ măng riềng.
Bình luận 0

Măng riềng - Đặc sản ngon lạ lùng ở đất Điện Biên

Cây riềng mọc hoang trên rừng hay được trồng ở vườn nhà thì vẫn là một loài thực vật quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong gian bếp của gia đình người Việt. Thế nhưng có lẽ thân quen nhất chỉ có củ riềng, còn những bộ phận khác của cây riềng thì nhiều người vẫn nghĩ là chỉ có vứt đi mà thôi.

Ấy thế mà vào các thời điểm như đầu xuân, giữa hè và đầu thu, từ những khóm riềng lại mọc lên những cây non phớt hồng hay còn gọi là mầm riềng, nõn riềng hoặc măng riềng và đây cũng chính là nguyên liệu tươi ngon được trưng dụng trong rất nhiều các món ăn hấp dẫn của đồng bào Thái dành tặng du khách khi có dịp đến thăm và khám phá nét văn hóa ẩm thực của vùng đất Điện Biên. Không chỉ vậy, cả lá, hoa, quả riềng cũng đều có thể sử dụng trong ẩm thực.

Loại cây dại mọc hoang ở Điện Biên tưởng chỉ nhổ vứt đi lại là đặc sản ngon lạ lùng - Ảnh 1.

Không chỉ có củ măng riềng mà lá, hoa, quả riềng đều có thể sử dụng trong ẩm thực được.

Người Thái gọi măng riềng là “nó khá”. Để thu hái loại măng này, người dân tìm những gốc cây riềng đã già, rồi đào lấy những búp măng non màu hồng nhạt và bóng bẩy.

Thu hái măng riềng về, người Thái có thể chế biến thành nhiều món ăn. Măng riềng có vị ngọt nhẹ, mùi thơm độc đáo, thêm nữa là có độ dai dai, giòn giòn nên thường xuất hiện trong các món rau trộn hoặc các món nộm, gỏi. Măng riềng đem đến cho thực khách cảm giác tươi mới, dân dã, giản dị, ăn xong không hề có cảm giác ngán ngấy.

Loại cây dại mọc hoang ở Điện Biên tưởng chỉ nhổ vứt đi lại là đặc sản ngon lạ lùng - Ảnh 2.

Người Thái gọi măng riềng là "nó khá".

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, măng riềng ngon phải là những búp măng còn non, chưa mọc thành lá, đầu nhọn hoắt, màu hồng phớt. Ngọn măng riềng có chiều cao từ 20 - 25cm. Măng riềng khi hái về chỉ cần dùng tay bóc tách vỏ cứng bên ngoài thân măng để lấy phần đọt non bên trong. Công đoạn này phải thật khéo léo để có thể lấy cả phần lõi cũng như phần vỏ non phía đầu cây măng. Sơ chế xong thì bẻ măng thành các đoạn dài 5 - 6cm cho vừa ăn.

Người Thái Điện Biên có nhiều cách chế biến với măng riềng khi kết hợp cùng nhiều loại rau khác nhau như rau ban, rau sắn, rau gai, hay các loại măng, cà dại, hoa đu đủ... để làm phong phú thêm hương vị của món ăn. Và công thức đầu tiên phải kể đến đó là măng riềng kết hợp với rau sắn và cà dại.

Trước tiên là cần chọn những phần búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, hái về ngâm qua nước, sau đó luộc kỹ cho rau mềm và ra bớt nhựa, tiếp đó cho cà dại cùng măng riềng vào luộc trong khoảng 7 phút thì vớt ra để nguội, rồi trộn thêm các loại gia vị như ớt, tỏi, bột canh, mì chính là hoàn thành món rau trộn.

Loại cây dại mọc hoang ở Điện Biên tưởng chỉ nhổ vứt đi lại là đặc sản ngon lạ lùng - Ảnh 3.

Có thể nói, với măng riềng, đó không đơn giản chỉ là những món ăn mang lại cảm giác mát lành, giải nhiệt, có lợi cho sức khỏe mà sự hấp dẫn còn toát lên bởi mùi thơm của nõn riềng non hoàn toàn khác mùi củ riềng, thậm chí ngay từ khi tách lớp vỏ măng riềng đã tỏa mùi hương phảng phất xung quanh. Đặc biệt, nếu chỉ nấu suông thì măng riềng cũng đã cho vị ngon ngọt đặc trưng, tuy nhiên, khi có thêm các loại rau, măng khác trộn cùng thì độ ngọt đó lại tăng lên nhiều lần.

Ngoài ra, để ăn lâu hơn, người ta còn chế biến măng riềng cùng mắm tép. Mắm tép xổi măng riềng được đóng hộp và bán như một đặc sản lạ miệng, đưa cơm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem