Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh bắt nuôi trồng thủy sản xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), thời bố anh Quảng còn là lao động chính, ông đã nuôi hàng chục héc ta các giống tôm, cua, cá theo hướng quảng canh.
Clip; Cận cảnh đàn cá trắm đen của gia đình anh Đinh Khắc Quảng nuôi trong ao lớn ở xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Video: Thu Thủy
Sau đó bố anh Quảng lại chuyển hướng sang nuôi cá vược, cá trắm đen, bản thân anh Quảng từ bé đã theo gia đình làm nghề nên có khá nhiều hơn kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Những năm gần đây, diện tích canh tác tại xã Lập Lễ bị thu hẹp, anh Quảng tìm về xã Minh Tân mở mang diện tích nuôi trồng thủy sản để được tiếp tục theo đuổi đam mê với nghề truyền thống của gia đình.
Tại đây, anh Quảng đã bỏ công cải tạo 25ha chân đầm sâu trũng, làm bờ vùng đắp lên thành từng ao, mỗi ao có diện tích khoảng 1ha, làm cống cấp, thoát nước.
Anh dùng vôi rải đều đáy ao để khử trùng và diệt sinh vật gây hại, phơi đáy ao khoảng 1 tuần đến 10 ngày, sau đó anh Quảng tiến hành cho nước vào ao nuôi cá trắm đen.
Anh Quảng cho biết, cá trắm đen là loài cá nước ngọt truyền thống, có giá trị kinh tế cao, có kích thước và trọng lượng vượt trội so với các giống cá khác.
Chúng cần sinh trưởng trong môi trường nước sạch. Tuy nhiên, cá trắm đen cũng thích nghi được cả với môi trường nước ngọt lẫn nước lợ.
Anh Quảng, nông dân nuôi thành công cá trắm đen ở xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Anh thường xuyên kiểm tra, chất lượng nước, sức khỏe đàn cá trắm đen nuôi trong đầm. Ảnh Thu Thủy
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi thủy sản, gia đình anh Quảng tự ươm, gột được cá trắm đen giống. Những con cá trắm đen con khi được thả nuôi tại đầm cũng phải đạt từ 0,5 – 0,7 kg/con.
Mật độ thả cá trắm đen nuôi tùy thuộc vào việc người nuôi nắm được kiến thức và kiểm soát được dịch bệnh và môi trường trong ao đầm đến đâu sẽ chủ động thả nuôi số lượng cá đến đó.
Theo kinh nghiệm của anh Quảng, nuôi cá trắm đen vất vả chẳng khác gì nuôi con thơ. Cùng trên hệ thống đầm ao của mình, anh Quảng phải bố trí nhiều điểm chốt trông coi, quản lý.
Bình quân, cứ 3 ao lại có 1 điểm chốt để công nhân túc trực 24h/24h. Đến giai đoạn cá lớn tầm 2kg trở lên, mật độ cá dày hơn, công nhân phải thức dậy vài lần trong đêm để quan sát tình trạng sức khỏe của đàn cá. Thậm chí phải đặt báo thức nhiều lần, khi có dấu hiệu bất thường sẽ kịp thời xử lý.
"Khác hẳn với vùng nước lợ của xã Lập Lễ, cá trắm đen nuôi tại đầm tại xã Minh Tân lại là vùng nước ngọt. Trong quá trình nuôi cá trắm đen thường mắc một số bệnh về sán nên anh Quảng phải xử lý định kỳ không để ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá nuôi...", anh Quảng chia sẻ.
Anh Quảng sử dụng máy quạt nước, sử dụng máy cho cá trắm đen ăn tự động, chế phẩm xử lý nguồn nước đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho việc nuôi cá trắm đen. Ảnh Thu Thủy.
Ngoài việc cho cá ăn, các công nhân chăn nuôi ở đây còn có nhiệm vụ hàng ngày phải kiểm tra, quan sát diễn biến bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp...
Mỗi công nhân nuôi cá sẽ gần giống với một kỹ thuật viên, họ phải biết cách xử lý những tình huống đơn giản trong quá trình nuôi cá" - anh Quảng cho hay.
Khi cá trắm đen đạt khoảng trên 3 kg, gia đình anh Quảng sẽ tiến hành thu bắt tỉa dần để đảm bảo mật độ phù hợp cho đàn cá phát triển.
Những đầm nuôi đạt tiêu chuẩn, kiểm soát tốt về chất lượng nước, thức ăn, chế độ ăn, anh Quảng tiến hành thả xen tôm thẻ vào nuôi cùng để tận dụng các thức ăn và chất thải của cá trắm đen ở tầng đáy ao, làm sạch môi trường nước.
Tính từ lúc thả cá trắm đen xuống nuôi đến lúc thu hoạch là khoảng 1 năm, những con cá to sẽ có trọng lượng từ 5 – 7 kg/con.
Hiện với 25ha đầm nuôi cá trắm đen gia đình anh Quảng, mỗi năm thu về 400 – 500 tấn cá thương phẩm, bán với giá tại bờ là 65.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Phú Mong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho biết, mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm của anh Đinh Khắc Quảng tại xã Minh Tân là một trong những mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như chạy máy quạt nước, sử dụng máy cho cá ăn tự động, chế phẩm xử lý nguồn nước… đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tới đây, Hội Nông dân xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) sẽ đề xuất mở rộng quy mô vùng nuôi trồng thủy sản để các hộ dân khác có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.