Một làng cổ nổi tiếng ở Huế, cả làng lại nói "đặc sệt" giọng Quảng Nam, đó là làng nào?

Thứ ba, ngày 19/03/2024 10:51 AM (GMT+7)
Làng Mỹ Lợi, một làng cổ ở xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) được biết đến như một “làng Quảng Nam” ở xứ Huế. Bởi ngoài giọng nói pha âm Quảng (giọng Quảng Nam), người Mỹ Lợi còn lưu truyền giai thoại về các vị khai canh lập ấp của làng là người ngày xưa mưu sinh, lập nghiệp tại vùng đất Quảng Nam.
Bình luận 0

Làng nói giọng Quảng

Làng Mỹ Lợi nằm phía bên kia sông Vinh Mỹ (thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), trên một vùng chắn bãi ngang của biển Vinh Mỹ. 

Đứng trên cầu Bến Đò nhìn sang làng Mỹ Lợi, những ngôi nhà khang trang “mọc” lô nhô dọc bờ sông hiền hòa, ghi dấu một diện mạo mới của ngôi làng cổ tồn tại gần 500 năm.

“Ở cái làng ni, nếu muốn tìm hiểu vấn đề gì, cứ tìm gặp ông Đoàn Nhã thì sẽ biết hết” - ông Huấn, một người buôn bán ở chợ làng Mỹ Lợi bảo với chúng tôi.

Ông Đoàn Nhã năm nay đã 91 tuổi, là người am hiểu khá tường tận về văn hóa, lịch sử làng Mỹ Lợi. 

Ông Nhã cho biết, theo cha ông truyền lại, sở dĩ người làng Mỹ Lợi có giọng nói tựa người Quảng Nam là vì trước đây, những vị khai canh lập làng (năm 1562) vốn sinh sống ở vùng đất Quảng Nam. Nhưng sau đó, do cuộc sống khó khăn nên ngược trở ra vùng đất Mỹ Lợi khai đất, lập làng. 

Do vậy, âm ngữ xứ Quảng được họ “mang theo” và tồn tại cho đến tận ngày nay (?). 

Ngoài ra, cũng có nhiều cách lý giải về giọng nói của người làng Mỹ Lợi như: ảnh hưởng từ nguồn nước và vùng đất bản xứ; người Quảng Nam đã ra Huế định cư và bảo lưu giọng nói của mình... 

Một làng cổ nổi tiếng ở Huế, cả làng lại nói "đặc sệt" giọng Quảng Nam, đó là làng nào?- Ảnh 2.

Đình làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Ảnh: Lăng A Cúi.

Còn ông Phan Liêu (85 tuổi, người trong làng) khẳng định rằng, tổ tiên của ông trước đây sinh sống ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Do vậy, nhiều đời con cháu thuộc dòng họ Phan ai cũng nói “đặc sệt” giọng Quảng Nam.

“Mấy đời nay rồi, giọng nói có thay đổi đâu. Mà đã là giọng của mình thì dù hay - dở cũng phải ráng mà giữ lấy. Đây cũng là cách nhắc nhở cháu con nhớ về gốc gác quê hương” - ông Liêu bộc bạch.

Theo ông Hoàng Ẩn (77 tuổi), giọng Mỹ Lợi đặc biệt ở chỗ, mang giọng Quảng nhưng vẫn có đặc trưng ngữ âm không lẫn với bất kỳ vùng nào của Quảng Nam.

Chính nét đặc trưng này giúp những người con Mỹ Lợi nhận ra nhau ngay khi mới gặp gỡ nơi đất khách quê người. Ông Ẩn cũng cho hay, người làng Mỹ Lợi mỗi khi lên thành phố Huế đều bị nhầm là… người trong Quảng Nam ra Huế.

Lưu giữ bề dày lịch sử

Theo cuốn Địa chí văn hóa làng Mỹ Lợi (NXB Thuận Hóa, năm 1999), làng Mỹ Lợi trước đây có tên gọi là ấp Mỹ Toàn, thuộc xứ Khe Long - nay là xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc - được thành lập vào năm 1562. 

Hương phả của làng Mỹ Lợi cũng như gia phả các họ chính và đầu tiên cũng đều khẳng định, các bậc tiền hiền khai làng lập ấp có xuất xứ từ xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh Hóa (nay là thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), theo đoàn quân Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558. 

Theo hương phả làng Mỹ Lợi, 8 vị tiền hiền của làng được sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phò, tặng thêm Đoan tức tôn thần (chín đạo sắc phong, trong đó có một đạo hợp phong), gồm: Lê Văn Dài, Trương Văn Trực, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Bá Niên, Đỗ Văn Lịch, Sào Văn Liễu, Đoàn Văn Bài và Trần Văn Nghĩa. Nhờ công đức của 8 vị này, Nguyễn Phúc Tần đã ra lệnh cho miễn thuế má tạp dịch...

Cùng với các “lò văn” ở chung quanh kinh kỳ Huế như: “lò văn” họ Đặng ở làng Thanh Lương (xã Bác Vọng, huyện Quảng Điền), họ Thân ở Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP.Huế),… trường làng Mỹ Lợi được xây dựng vào đầu đời Tự Đức, trở thành ngôi trường ra đời sớm nhất vùng với nhiều nhân tài góp công xây dựng đất nước. 

Trong đó, phải kể đến các ông Huỳnh Văn Thông, Huỳnh Văn Tuyển, Phan Hưng Nhượng, Lâm Quang Mộng, Hoàng Trọng Suyền (em con chú của bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc - mẹ vua Bảo Đại)… Sau này là các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Nhu, Chu Sơn, Nguyên Thảo, Toan Ánh,…

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Mỹ Lợi đã cùng nhau đoàn kết, quyết tâm đánh thắng kẻ thù và lập nên nhiều chiến công. 

Tiêu biểu là hành động treo cao lá cờ Đảng của Chi bộ Mỹ Lợi (cũng là lá cờ Đảng đầu tiên ở Thừa Thiên Huế) trên nóc đình làng vào ngày 1.5.1930. 

Ông Đoàn Văn Xua - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vinh Mỹ cho biết, hiện ở làng Mỹ Lợi có 62 tộc họ. Trong đó, 43 họ có nhà thờ tộc, lưu trữ hơn 1.400 văn bản bằng chữ Hán cổ rất có giá trị.

Đình làng Mỹ Lợi được xây dựng vào khoảng năm 1669. Qua nhiều lần trùng tu, năm 1996, đình làng Mỹ Lợi được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2011, nhân dân Mỹ Lợi được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặc biệt, dân làng Mỹ Lợi còn lưu giữ tư liệu quý liên quan đến Hải đội Hoàng Sa của triều nhà Nguyễn, vừa trao tặng lại cho Bộ Ngoại giao làm bằng chứng khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa.


Lăng A Cúi (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem