Tại hội thảo "Tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam" do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày hôm qua 18/3, vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu gạo ST 25 của ông Hồ Quang Cua được Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhiều lần đề cập tới.
Ông Nam cho biết, bản thân có bài học xương máu về gạo ST 25. Đây là một sự đau xót khi bỏ phí thương hiệu, để doanh nghiệp chạy tới chạy lui để bảo vệ sản phẩm của mình, rất gian nan.
Logo thương hiệu gạo Việt Nam xây dựng năm 2018, đến năm 2020 được công nhận bảo hộ. Theo ông Nam, lúc này, Bộ NNPTNT rất muốn áp dụng cho gạo ST 25 để ra thế giới nhưng vướng nhiều thứ, tới nay vẫn chưa làm được.
"Trước đây, ông Hồ Quang Cua đề nghị làm thương hiệu gạo ST 25, chúng tôi cũng rất muốn làm, nhưng vướng chưa làm được" - ông Nam nói thêm.
Trước sự việc trên cùng với nhiều vướng mắc khác có liên quan, để bảo vệ giá trị của sản phẩm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng cần phải có cơ chế pháp lý để quản lý thương hiệu nông sản trong thời gian tới. Vì vậy, Bộ NNPTNT chỉ đạo xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam (tên dự kiến) để trình Chính phủ.
Nghị định trên phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo chuỗi giá trị và phải truy xuất được nguồn gốc nông sản.
Trong thời gian chờ trình Chính phủ, lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường cùng với các hiệp hội ngành hàng, đơn vị có liên quan chọn ra một số sản phẩm chủ lực thí điểm thực hiện trước.
Trong phần phát biểu của mình, ông Cua kể, sau khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, 1 công ty ở Mỹ đăng ký độc quyền nhãn hiệu gạo ST 25.
Phát hiện vụ việc, tôi tìm mọi cách để ngăn chặn, không để doanh nghiệp bên Mỹ bảo hộ lan ra các nước khác, xem như gạo ST 25 của Việt Nam khó có cơ hội xuất hiện trên thương trường gạo thế giới.
"Phải đến tháng 9/2022, tức khoảng 28 tháng từ khi họ đăng ký đến khi bị khóa hồ sơ, đó là khoảng thời gian chúng tôi phải kiên nhẫn, làm việc với luật sư quốc tế, các bên liên quan... Có tổng cộng 35 đơn đăng ký bảo hộ độc quyền từ khóa gạo ST 25, trong đó Mỹ có 11 đơn, Úc 7 đơn, Việt Nam 17 đơn. Tôi biết, họ không phải làm thương hiệu gạo mà họ muốn bảo hộ độc quyền chữ gạo ST 25 để bán lại" - ông Cua nói.
Theo ông Cua, đến cuối tháng 12/2023, "cuộc chiến" mới khép lại khi nhãn hiệu gạo ST 25 chính thức được công nhận ở Mỹ (trước đó được công nhận ở Anh, EU, Hongkong, Trung Quốc, Úc, Việt Nam…).
Ông Cua nhấn mạnh: "Suốt 4 năm vừa qua, ông liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới, cũng như trong nước. Và ông lao vào cuộc chiến đấu, phải gồng mình lắm mới vượt qua được. Đây là khóa học 4 năm đầy gian nan và tốn kém rất nhiều học phí".
Về thương hiệu quốc gia bàn trong hội thảo, ông Cua cho rằng, ngành chức năng cần đưa ra quy chuẩn nên khắt khe, chặt chẽ, doanh nghiệp nào làm đúng chuẩn mới được sử dụng thương hiệu quốc gia.
"Theo tôi, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần cơ quan nhà nước đứng ra làm, không nên giao cho hiệp hội, bởi hiệp hội thì mỗi ông một giống, rồi lại dàn hàng ngang nữa. Xây dựng thương hiệu cần có trọng tâm, trọng điểm" - ông Cua đề xuất.