Vùng nào trồng lúa ST25 đạt 90 triệu đồng/ha, cho ra gạo vừa ngon, vừa thơm?
Vùng nào trồng lúa ST25 đạt 90 triệu đồng/ha, cho ra gạo vừa ngon, vừa thơm?
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 11/03/2024 18:31 PM (GMT+7)
Theo ông Hồ Quang Cua, lúa ST25 trồng ở vùng bán đảo Cà Mau áp dụng kỹ thuật rút nước khô trong quá trình chăm sóc đã đạt 90 triệu đồng/ha, cho ra gạo vừa ngon, vừa thơm và giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Hồ Quang Cua thông tin với phóng viên Dân Việt, năng suất lúa ST25 cao khi trồng ở vuông tôm vùng bán đảo Cà Mau theo mô hình luân canh tôm - lúa. Trong quá trình sản xuất, phải rút nước khô đủ 3 lần.
"Vùng bán đảo Cà Mau này, muốn năng suất lúa ST 25 cao thì bắt buộc phải rút nước khô đủ 3 lần trong quá trình chăm sóc, trong đó đặc biệt nhất là rút khô giữa mùa. Kỹ thuật trồng lúa ST 25 này không những giúp có năng suất cao, mà còn cho gạo ngon cơm và thơm" - ông Cua nói.
Ông Cua kể, với kỹ thuật rút nước khô, có những nơi, nhóm nông dân, tổ liên kết thu hoạch lúa ST25 đạt 90 triệu đồng/ha.
Kỹ thuật trồng lúa ST25 mà ông nói còn giúp cho việc thu hoạch cuối vụ trở nên dễ dàng, lúc này máy gặt đập liên hợp sẽ vào được bên trong ruộng (không bị lún) để cắt lúa, thay vì phải cắt tay (không rút nước trong quá trình trồng).
Theo cha đẻ của lúa ST25, cách rút nước khô ra khỏi ruộng theo kỹ thuật trên còn là cách giảm phát thải khí nhà kính, theo đúng định hướng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL mà Bộ NNPTNT đang bắt đầu triển khai thực hiện.
Ông nhấn mạnh, lúa phát thải khí nhà kính càng ít thì gạo càng ngon. Hiện vùng bán đảo Cà Mau có đến 200.000ha có thể gieo trồng được lúa ST25, rất tiềm năng.
Ông Cua chia sẻ: "Kỹ thuật trồng lúa ST25 này vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phù hợp với chính sách nhà nước và tăng thu nhập người dân".
Để có gạo ST25 ngon, thơm và năng suất cao, theo ông Cua, người dân không nên gieo sạ dầy.
Thay vào đó là sạ thưa theo đúng quy trình, giải pháp mà ông đã xây dựng cho cây lúa của mình.
"Tôi đi dự thi quốc tế 7 lần vừa qua mới thấy, năm nào vùng Đông Bắc ở Thái Lan mưa nhiều là gạo của quốc gia này rớt, lý do là nước nhiều quá dẫn đến gạo không ngon, mùi thơm không lên" - ông Cua giải thích thêm.
Được biết, giống lúa ST25 có thân cứng cáp, chống bệnh dịch tốt.
Gạo ST25 có hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, cơm khi chín mang hương thơm thoang thoảng của mùi lá dứa, hòa cùng mùi thơm của cốm non tỏa ra nhẹ nhàng và cuốn hút.
Hạt cơm ráo nước, mềm, dẻo nhiều và có độ dai nhẹ, càng nhai lâu vị ngọt từ tinh bột gạo càng ngọt đậm đà hơn. Đặc biệt, cơm ST25 vẫn giữ được kết cấu mềm, dẻo nhiều ngay cả khi để nguội.
Mới đây, tại Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã có buổi làm việc với ông Cua. Tại đây, ông Nam cho hay, gạo ST 25 là loại gạo chất lượng cao và đã có thương hiệu rồi, bước tiếp theo cần phải xây dựng trở thành nhãn hiệu gạo quốc gia.
"Từ lâu, doanh nghiệp của ông Cua cũng đã xây dựng các quy trình, giải pháp để cây lúa trên đồng giảm phát thải. T
rong khi đó, Bộ NNPTNT đang nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp, mà gạo ST25 gần như đầy đủ các tiêu chuẩn" - ông Nam nói.
Vì vậy, ông Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, hỗ trợ ông Cua làm nhãn hiệu gạo quốc gia.
Ông Nam nói thêm, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, việc đo đếm để chi trả tín chỉ các bon không phải là vấn đề chính, chỉ là một phần, yếu tố quan trọng hơn là vấn đề nhãn hiệu hàng hóa.
"Chính nhãn hiệu lúa giảm phát thải mới nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam", Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.