Đồng Reais tiếp tục giảm thấp đã hỗ trợ người Brazil bán cà phê xuất khẩu, trong khi suy đoán sản lượng Robusta của Việt Nam niên vụ 2023/2024 có thể giảm thêm 2 – 3% đã hỗ trợ thị trường London duy trì đà tăng…
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 35 USD, lên 3.343 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 34 USD, lên 3.245 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối đà giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 1,20 cent, xuống 181,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 1,05 cent, còn 180,60 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 900 - 1.000 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm. Cụ thể, mức giao dịch thấp nhất được ghi nhận ở tỉnh Lâm Đồng là 93.400 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai cùng tăng 1.000 đồng/kg lên chung mức 94.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái tại Đắk Nông đang thu mua cà phê với giá cao nhất là 94.100 đồng/kg. Giá cà phê được ghi nhận ở thời điểm hiện tại là 93.400 - 94.100 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn tiếp tục xu hướng biến động trái chiều. Trong khi giá cà phê Arabica trên sàn New York tiếp nối đà giảm do những kỳ vọng liên quan đến vụ mùa Brazil sắp thu hoạch của năm nay và dữ liệu báo cáo cho thấy tồn kho ICE đang được bổ sung rất tích cực. Nguyên nhân chính được cho là sự lạc quan về sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ mới, bất chấp suy đoán sản lượng sẽ không vượt quá kỳ vọng đã được các nhà kinh doanh tại thị trường nội địa đưa ra khi mùa hoa nở xoay quanh mức 70 triệu bao, với một số tác động tiêu cực do các đợt nắng nóng quá mức xảy ra hồi năm ngoái.
Trái lại, giá cà phê Robusta vẫn duy trì xu hướng tăng do mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu vẫn đè nặng thị trường tiêu thụ, trong khi giới thương nhân quốc tế suy đoán sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 có thể giảm thêm 2 – 3%, điều này đã tạo tâm lý hỗ trợ thị trường cho tới khi Brazil bước vào thu hoạch vụ mùa Conilon mới năm nay.
Dữ liệu báo cáo của ICE – Europe hôm qua, thứ hai ngày 18/3, cho thấy tồn kho cà phê Robusta được sàn London giám sát đã tăng 3.680 tấn, tức tăng 15,13% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 28.000 tấn (khoảng 466.667 bao, bao 60kg), chủ yếu là cà phê Conilon của Brazil.
Tập đoàn tài chính Marex Group Plc (Anh) dự báo sản lượng cà phê Robusta toàn cầu niên vụ 2024/2025 sẽ thiếu hụt 2,7 triệu bao do sản lượng của Việt Nam bị sụt giảm. Trong khi vẫn còn đó dự báo của Ngân hàng Rabobank điều chỉnh giảm sản lượng toàn cầu niên vụ 2023/2024 bớt 3,9 triệu bao, xuống còn 171,1 triệu bao, chủ yếu do điều chỉnh giảm ước tính sản lượng của Honduras và Indonesia.
Tỷ giá đồng Reais giảm 0,55% xuống ở mức 1 USD = 5,0249 R$, mức thấp 4,5 tháng, đã khuyến khích người Brazil bán cà phê xuất khẩu cũng góp phần khiến giá kỳ hạn sàn New York tiếp tục suy yếu.
El Nino gây khô hạn tại khu vực Đông Nam Á trong niên vụ năm nay khiến sản lượng cà phê ở Việt Nam và Indonesia sụt giảm đáng kể, kéo giá nội địa tăng vọt. Thời tiết diễn biến bất thường khiến các nước châu Á phải tăng nhập khẩu cà phê của Brazil để đáp ứng nhu cầu nội địa lẫn trả các đơn hàng xuất khẩu.
Các đại lý cho biết, nguồn cung tại nhà sản xuất Robusta hàng đầu Việt Nam vẫn thắt chặt và các yếu tố cơ bản hỗ trợ đang thu hẹp mức chiết khấu đối với hạt Arabica.
Sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2023/24 được dự báo khả quan hơn nhưng mức tăng không phải quá lớn. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), con số này đạt 66,3 triệu bao, tăng 3,7 triệu bao (tương đương khoảng 6%) so với niên vụ trước, nhờ sản lượng Arabica dự báo tăng.
USDA dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/24 đạt 171,4 triệu bao (loại 60kg), tăng 6,9 triệu bao (tương đương 4,2%) so với niên vụ trước đó. Sản lượng tăng ở các nước sản xuất cà phê Arabica chủ chốt như Brazil, Colombia và Ethiopia dự kiến sẽ bù đắp cho sự sụt giảm ở Indonesia, một trong những quốc gia sản xuất Robusta chính ở khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 2 vừa qua, cả nước xuất khẩu 160.584 tấn cà phê, kim ngạch đạt 528,5 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và giảm 27,3% về kim ngạch so với tháng trước.
Dù bị giảm trong tháng 2 do ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn đang tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Hết tháng 2, xuất khẩu nhóm hàng này đạt xấp xỉ 400 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 1,25 tỷ USD, tăng 16% về lượng nhưng tăng đến 68% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2024 là kỷ lục xuất khẩu của ngành hàng cà phê.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn lượng nên trị giá xuất khẩu bình quân nhóm hàng này cũng tăng cao. Cụ thể, 2 tháng qua, trị giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 3.100 USD/tấn, cao hơn gần 1.000 USD/tấn so với cùng kỳ 2023, tương đương tăng khoảng 43%.
Với kết quả trên, nhóm hàng cà phê đã vượt kim ngạch của thủy sản (đạt 1,2 tỷ USD) và lần đầu tiên vươn lên vị trí số 2 trong các ngành hàng xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ).
Việc tăng trưởng cả 3 tiêu chí về lượng, giá và trị giá bình quân của mặt hàng cà phê xuất khẩu đang giúp cho nông dân trồng cà phê, nhất là thủ phủ cà phê ở Tây Nguyên được hưởng niềm vui.