Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014. Sau gần 7 năm thi hành (kể từ ngày Luật có hiệu lực 1/01/2016 đến nay) Luật đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn cũng như dài hạn.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện nhiều tình huống mới, nhất những năm gần đây, nhiều nội dung không còn phù hợp. Việc Quốc hội quyết định sửa đổi Luật là một yêu cầu thiết thực, tất yếu.
Tại hội nghị, các đại biểu là cán bộ, hội viên Nông dân tỉnh Ninh Bình thống nhất dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đi vào trọng tâm, đề cập đến những vấn đề mà dư luận, người lao động đặc biệt quan tâm.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về toàn bộ thể thức văn bản, bố cục, nội dung của 9 Chương, 133 điều.
Trong đó, một số ý kiến đóng góp cần sửa đổi quy định tại điểm b của Phương án 1 tại Điều 37 dự thảo Luật về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đề nghị trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn là "tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương".
Một số ý kiến đề nghị làm rõ các khoản không làm căn cứ đóng BHXH: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm các khoản sau: Tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền làm thêm giờ; các khoản bồi dưỡng bằng hiện vật;
Ngoài ra, các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp".
Lý do để phù hợp với định hướng tại khoản 8 Mục III Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, theo đó "Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương.
Đồng thời, các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên nông dân vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), gửi đến cơ quan soạn thảo để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.