Ông nông dân cấy 100 mẫu ruộng, có nhiều máy nông nghiệp nhất tỉnh Ninh Bình
Ông nông dân cấy 100 mẫu ruộng, có nhiều máy nông nghiệp nhất tỉnh Ninh Bình
Trần Quang
Chủ nhật, ngày 11/02/2024 18:47 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Viết Chiến là nông dân làm cánh đồng mẫu lớn hiếm hoi ở trong và ngoài tỉnh Ninh Bình đang sở hữu hàng chục loại máy nông nghiệp. Đáng chú ý trong bộ sưu tập cơ giới hóa của lão nông này có cả máy bay không người lái trị giá hơn nửa tỷ đồng…
Đến cánh đồng xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, chúng tôi gặp bố con ông Chiến đang vận hành máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho người dân ở trong xã. Sau khoảng chục phút nạp thuốc, đặt định vị... anh Phạm Quang Đức (con rể ông Chiến) dùng điện thoại thông minh điều khiển máy bay bay vút ra ruộng. Khi đến vị trí định vị, máy bay bắt đầu nhả phun thuốc đều lên ruộng lúa. Với hơn 10 mẫu ruộng nhưng chiếc máy bay chỉ đảo vài chục phút đã hoàn thành.
"Mấy vụ gần đây, nhờ có máy bay của ông Chiến hỗ trợ, chúng tôi tiết kiệm được chi phí đầu vào mà việc phun thuốc rất nhanh và đều hơn phun tay. Không chỉ máy bay, ở các khâu khác như làm đất, cấy, gặt lúa... chúng tôi đều dùng dịch vụ của ông Chiến, thấy rất hiệu quả, việc sản xuất rất nhàn hạ" - bà Nguyễn Thị Dung (43 tuổi), nông dân ở xã Ninh Khang tâm sự.
Sau mỗi vụ lúa, ông Chiến thường nuôi vịt thả đồng khoảng 5.000 - 6.000 con để vật nuôi ăn tận dụng phụ phẩm trên ruộng, vừa tiêu diệt ốc bươu vàng, sâu... Xuất bán 2 lứa vịt thả đồng, gia đình ông cũng có thêm hàng trăm triệu đồng.
Vừa tháo, vệ sinh một số bộ phận của máy bay sau quá trình phun thuốc, ông Chiến cho biết, chiếc máy bay P100 của ông mua về từ đầu năm 2023 với giá hơn 600 triệu đồng, là dòng thiết bị bay mới nhất hiện nay trên thị trường. Máy bay có thể mang được 40kg phân hoặc hạt giống, thuốc và làm việc trên hàng chục ha/ngày.
"Dòng máy bay mới của tôi là bản nâng cấp mới nhất nên có nhiều tính năng vượt trội như máy tự định vị vùng phun, khi nạp đủ pin, thuốc, phân, hạt giống... máy sẽ bay hoạt động ổn định đến khi hết nguyên liệu sẽ tự động hạ cánh theo ý muốn của người vận hành" - ông Chiến cho hay.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, lão nông này cho hay: Đến nay, gia đình tôi đang cấy trên 100 mẫu ruộng. Các khâu từ làm đất đến thu hoạch đều dùng bằng máy. Hiện, tôi đang có khoảng trên 10 máy nông nghiệp có giá từ vài trăm triệu đồng đến hơn nửa tỷ đồng/máy... Số tiền mua máy đều do gia đình tự lực từ tiền lãi các vụ lúa trước.
"Chưa nói đến các tỉnh khác, riêng ở Ninh Bình tôi tự tin mình có nhiều loại máy nông nghiệp hiện đại nhất ở đủ các khâu sản xuất lúa. Ngoài việc dùng máy làm ruộng cho gia đình, tôi còn đưa máy đến phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh"- ông Chiến nói thêm.
Kiếm tiền tỷ nhờ liên kết
Theo ông Chiến, nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gia đình ông đã giảm được rất nhiều chi phí đầu vào trong thời điểm khan hiếm nhân công, giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao. "Nông dân làm ruộng nhỏ lẻ chi phí cho mỗi sào lúa lên đến 1 triệu hoặc trên 1 triệu đồng, nhưng tôi chỉ làm đến khoảng 600.000 đồng gồm cả tiền thầu đất" - ông Chiến nói và cho biết, mỗi năm gia đình ông làm 2 vụ lúa, vụ chiêm thu về khoảng trên 200 tấn lúa, vụ mùa trên 150 tấn bán cho doanh nghiệp. Sau khi tính toán, trừ chi phí mỗi năm ông cũng "bỏ túi" trên dưới 1 tỷ đồng.
Tiết lộ thêm về kinh nghiệm sản xuất lúa để đạt thu nhập cao, ông Chiến khẳng định: Để làm lúa có lãi, nông dân phải làm tốt ba việc. Thứ nhất là phải tích tụ ruộng đất với diện tích đủ lớn mới có thể sản xuất được lúa hàng hóa quy mô lớn. Trước đây, gia đình ông Chiến cũng chỉ có vài mẫu nhưng sau quá trình tích tụ, đến nay đã có trên 100 mẫu ruộng tập trung tại hai điểm nên rất tiện cho sản xuất hàng hóa.
Thứ 2 là đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Để giảm giá thành sản xuất không còn cách nào khác là đưa máy móc hiện đại áp dụng vào các khâu trong sản xuất lúa. "Đến nay tôi không chỉ có có đầy đủ máy móc để phục vụ công việc của mình mà còn làm dịch vụ cho bà con thu về hàng trăm triệu đồng/năm" - ông Chiến bộc bạch.
Thứ ba là phải liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, giống... đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định. "Trong quá trình hợp tác liên kết, hai bên cũng phải sòng phẳng và tôn trọng nhau trong suốt quá trình làm việc. Người nông dân phải sản xuất ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng cao và bán cho doanh nghiệp với giá đã định trước. Doanh nghiệp cũng phải cam kết luôn đồng hành cùng người sản xuất trong mọi hoàn cảnh" - ông Chiến khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.