Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân Ninh Bình, hỗ trợ nông dân dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 14/02/2023 18:51 PM (GMT+7)
Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nhiều nông dân Ninh Bình cho biết, từ khi áp dụng thành công dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông sản của nông dân Ninh Bình đã minh bạch nguồn gốc, do đó, số lượng tiêu thụ ngày càng tăng, thu nhập nông dân cũng tăng lên.
Bình luận 0

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản 

Năm 2022, cơ sở sản xuất "Bánh đa Điềm Giang" của ông Trần Văn Lập ở thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn là 1 trong những hộ sản xuất đã áp dụng thành công dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Lập cho biết: Gia đình ông làm nghề truyền thống sản xuất bánh đa nhiều năm nay. Từ năm 2017, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, ông đã đầu tư xây dựng nhà xưởng chuyên làm bánh bún và mua trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho sản xuất chế biến với số vốn trên 1,5 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn lao động.

Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, hỗ trợ hội viên dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình thăm cơ sở sản xuất "Bánh đa Điềm Giang" của ông Trần Văn Lập ở thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn.

Thời gian qua với sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, chính quyền địa phương và đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, huyện Gia Viễn đã trực tiếp giúp đỡ gia đình ông Lập về các thủ tục pháp lý, hỗ trợ một phần kinh phí để hoàn thiện các thủ tục được cấp Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, tháng 8/2022, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã trao tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm "Bánh đa Điềm Giang" cho gia đình ông Trần Văn Lập.

Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, hỗ trợ hội viên dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình trao tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm "Bánh đa Điềm Giang" cho gia đình ông Trần Văn Lập. Áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đang được nhiều địa phương, người dân trong tỉnh dần áp dụng.

Ông Lập phấn khởi cho biết: Nhờ có tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng đã biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất cũng như chất lượng của sản phẩm. Do vậy thời gian gần đây sản phẩm "Bánh đa Điềm Giang" của cơ sở nhận được phản hồi tích cực của thị trường. Sản phẩm "Bánh đa Điềm Giang" đã được nhân dân địa phương tích cực mà còn phát triển sang thị trường một số tỉnh lân cận.

Cũng theo ông Lập, việc quan tâm, hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc của Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện xây dựng cơ sở pháp lý cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, quảng bá và nâng tầm thương hiệu.

Cũng trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức ra mắt Chi Hội nghề nghiệp trồng rau theo hướng an toàn xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp. Chi Hội được thành lập với 30 thành viên, nhằm đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân cùng sản xuất rau an toàn, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, phát huy tiềm lực sẵn có tại địa phương. Cũng tại lễ ra mắt, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức trao  gần 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho mô hình "trồng rau an toàn xã Yên Sơn" .

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Yên Sơn cho biết, từ khi đăng ký tem nhãn cung cấp thông tin, nguồn gốc hàng hóa, các sản phẩm rau an toàn xã Yên Sơn đã được các cửa hàng nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm được đánh giá cao về tính minh bạch trong nguồn gốc, do đó, số lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên.

Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội, tham gia xây dựng nông thôn mới

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân tham gia chuyển đổi số, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đáng chú ý, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành Đề án "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025". Mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.

Triển khai thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tích cực vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh.

Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, hỗ trợ hội viên dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh 4.

Mô hình trồng cà chua VietGAP của nông dân xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Thịnh.

Đặc biệt, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số.

Năm 2022, các cấp Hội Nông dân Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác vận động hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký nhu cầu hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hoá nông sản địa phương.

Cụ thể, trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Viễn thông Ninh Bình hỗ trợ trao hơn 250.000 mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc và thương hiệu sản phẩm cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.

Các chủ thể được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những hộ, cơ sở sản xuất ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được chứng nhận VietGAP, HACCP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa...

Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, hỗ trợ hội viên dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh 5.

Nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn huyện Yên Mô bán đắt hàng. Ảnh: H G

Bên cạnh đó, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cũng phối hợp giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn của hội viên nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.

Để xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm địa phương, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng tổ, nhóm hợp tác, phát triển kinh tế tập thể.

Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức 378 hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên nông dân, tập huấn kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ, tiêu thụ hàng hóa giúp người nông dân tiếp cận với công nghệ trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. Năm 2022, các cấp Hội đã tạo điều kiện cho hơn 33.000 lượt hộ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT thông qua 662 Tổ TKVV, 567 tổ vay vốn với tổng dư nợ trên 2.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 51 tỷ đồng, giải quyết cho hàng ngàn hộ vay thông qua các mô hình, dự án.

Trong năm 2022, Hội Nông dân Ninh Bình xây dựng 18 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 24 mô hình chế biến, tiêu thụ nông sản; 287 mô hình trồng trọt; 104 mô hình chăn nuôi; 75 mô hình thuỷ sản; 476 mô hình sản xuất kinh doanh an toàn thực phẩm.

Tiêu biểu là các mô hình: sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại vùng ven biển huyện Kim Sơn; trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao; mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới, tiêu tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng rau, củ, quả trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem