Những ngày dưới mái trường Đại học, tôi luôn có suy nghĩ sau này sẽ tìm một công việc giờ hành chính, ổn định, nhàn nhã. Đúng như ý nguyện, tôi vào làm văn phòng tại một công ty về xây dựng. Nhưng sau 5 năm, những suy nghĩ đầu đời ấy dường như đã cũ kĩ và có chút "sai lầm"… từ đây ý định chuyển hướng đi học viết báo và làm báo của tôi trỗi dậy.
Tôi biết anh Trần Quang (phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay) trong đội bóng có nhiều anh em làm Báo chí. Trước khi liên hệ với anh để xin đi theo học nghề, rất nhiều câu hỏi tôi đặt ra trong đầu, nông nghiệp – nông dân – nông thôn là viết về những gì? Hay chỉ đơn thuần là cây lúa, củ khoai, con lợn, con gà…? Thế thì nhàm chán nhỉ? Tôi tự hỏi.
Sau khi chính thức nghỉ công việc Văn phòng, 2 lần tôi được đi cùng anh Quang để quan sát, học hỏi cách tác nghiệp. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát ghê gớm năm 2019, anh ấy leo rào, chui chuồng lợn để chụp ảnh, quay video, lúc ra trên đầu lấm tấm vôi bột trắng xóa làm tôi không nhịn cười được nhưng phần lớn là nể phục. Rồi anh động viên tôi: "Cố gắng lên em, cái gì khởi đầu cũng sẽ gian nan, vất vả".
Trước khi được anh Quang đưa lên gặp lãnh đạo Ban Hội – Tam nông của Báo NTNN để chính thức xin phép được "thử sức" với nghề báo, tôi mới chỉ có vỏn vẹn 3 bài được đăng trên báo giấy, hai chữ "tam nông" với tôi vẫn còn rất mơ hồ!.
Vẫn giữ thói quen thường lệ, sơ vin quần âu, áo trắng cổ cồn, đi giày tây, lần đầu tiên tôi đặt chân lên tòa soạn Báo Nông thôn Ngày nay. Trước mặt tôi là Trưởng Ban Hội – Tam nông Lê Ngọc Hân. Với vẻ ngoài nghiêm nghị, anh Hân hỏi: Em đã từng đi viết báo bao giờ chưa? Tại sao lại nghỉ ở một doanh nghiệp xây dựng có mức lương cao. Hay đi làm vì đam mê? Hiện đang ở đâu? Có gia đình chưa?
Rồi đến Phó trưởng Ban Hội – Tam nông Nguyễn Văn Công hỏi tiếp: "Nhìn thế này liệu có viết được "tam nông" không"? Đã biết rải link bài chưa? Tôi chỉ biết rụt rè trả lời: "Em sẽ cố gắng!".
"Mai em đi công tác Tuyên Quang viết chân dung Nông dân Việt Nam xuất sắc và một số đề tài khác nhé?", anh Công yêu cầu. Không một chút mảy may suy nghĩ tôi nhận lệnh lên đường.
Trước ngày đi, cả đêm tôi mất ngủ, lo lắng bởi lần đầu tiên đi công tác một mình, chưa biết phải bắt đầu từ đâu? Làm những gì? Bởi 2 lần trước đó, tôi chỉ đi theo anh Quang quan sát cách làm… nhưng tôi tự nhủ: "Không được lùi bước".
Trong 5 ngày rong ruổi ở xứ Tuyên, tôi được cho ở nhờ và mượn xe máy của một người bạn học cùng Đại học. Sáng đi viết bài, tối lại về ngủ. Đến mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa một xã ở huyện Sơn Dương, tôi được các bác nông dân tiếp đón rất thân tình. Giữa cánh đồng mênh mông nước, họ không ngần ngại lôi ruộng, kéo những mẻ cá lên để cho tôi chụp tấm ảnh tư liệu cho bài viết của mình.
"Mấy khi nhà báo lên đến đây, ở lại ăn cơm với các chú nhé!", chú Quân chủ nhà niềm nở mời tôi ở lại. Khi chào tạm biệt, chú còn xin số điện thoại của tôi để có dịp xuống Thủ đô hai chú cháu gặp lại.
Trong suốt hơn 30km từ nhà chú Quân trở về nhà người bạn, tôi luôn tự hỏi vì sao những nơi tôi đến họ lại gần gũi, thân thương, tình cảm, giản dị, mộc mạc đến vậy? Sau này được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nông dân, tôi tự tìm ra câu trả lời: "Đó là phẩm chất tốt đẹp từ ngàn đời nay của người nông dân Việt Nam mình".
Sau chuyến công tác đầu tiên "thuận buồm xuôi gió", tôi tiếp tục được lãnh đạo ban giao cho những đề tài khác với "độ khó" tăng dần. 7 giờ sáng hôm ấy nhận được chỉ đạo đi theo đoàn của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình ùn ứ nông sản ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Lần đầu là đề tài về nông dân, còn lần này về thời sự nông nghiệp, tôi có chút hoang mang không biết có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Nhưng rồi mọi thứ đều suôn sẻ. Đến cửa khẩu, tôi quan sát các đồng nghiệp phỏng vấn, đặt máy ghi âm, chụp ảnh nhân vật nào thì tôi cũng "bám càng" đi theo. Thông tin thu lượm được, trở về Hà Nội viết 2 bài "to" đi báo giấy NTNN và điện tử Dân Việt.
"Suy nghĩ vô trách nhiệm với đề tài của mình như vậy thì sau này trở thành phóng viên làm sao được?", Trưởng Ban Hội và Tam nông Lê Hân nói với giọng nghiêm khắc. Sau đó, tôi hiểu ra mình phải làm gì để có một sản phẩm báo chí khách quan, đa chiều…
Trong những chuyến công tác hay đang theo đuổi một đề tài nào đó, tôi luôn nhân được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình từ lãnh đạo đến các anh chị trong Ban. Sau những bài viết được đăng tải là những lời khen, động viên nhưng cũng không thiếu sự nghiêm khắc rất cần thiết đối với một người mới vào nghề như tôi.
Hồi ấy tôi viết về thủ phủ trồng hoa Mê Linh ảm đạm trước ngày 8/3. Viết xong tôi gửi biên tập như thường lệ. Sau đó, anh Lê Hân gọi điện trao đổi về nội dung bài viết, vì sao chỉ phỏng vấn người trồng hoa mà thiếu ý kiến từ chính quyền địa phương, từ đó tìm ra nguyên nhân, lý giải vấn đề. Anh chỉ đạo bắt buộc phải có phỏng vấn từ chính quyền hoặc Hội nông dân huyện nhưng tôi đã vô tư trả lời "em gọi từ sáng vẫn không được, hay là em bỏ đề tài này".
"Suy nghĩ vô trách nhiệm với đề tài của mình như vậy thì sau này trở thành phóng viên làm sao được?", Trưởng ban Lê Hân nói với giọng nghiêm khắc. Sau đó, tôi hiểu ra mình phải làm gì để có một sản phẩm báo chí khách quan, đa chiều…
Sau 10 tháng làm cộng tác viên của Báo Nông thôn Ngày nay, tôi dần nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Ban, được giao tác nghiệp trong những chuyến công tác ở Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Giang… với những sản phẩm báo chíđược ghi nhận và trở thành phóng viên chính thức của Báo Nông thôn Ngày nay.
5 năm tại gia đình Báo Nông thôn Ngày nay chẳng "thấm" gì so với những bậc tiền bối có thâm niên trên 2 con số tại tòa soạn nhưng cũng đủ để tôi thầm cảm ơn rằng đó là nơi dạy cho tôi những bài học đầu đời về nghề báo và còn đó là những con người luôn gần gũi, tình cảm, sẵn sàng lắng nghe những chia sẻ, tâm sự về cuộc sống, gia đình… của một đứa "em út" như tôi.
"Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân và tôi tự hào là người Nông thôn Ngày nay...", tôi luôn tự nhủ với mình điều này.