Bạn bè tôi lúc đó, hầu hết làm trong ngành giáo dục, có người đã gặp tôi thì thầm: Về dưới đó, nhớ là đừng có "thẳng ruột ngựa" đấy, phải khéo léo vào. Người Thủ đô họ không như trên miền núi chúng mình đâu… Thì ra, bạn bè đã lo lắng cho tôi, sợ tôi cứ sống theo kiểu "bố bản" thấy thế nào nói thế ấy như chúng tôi đã sống với nhau ở trên này.
Về Hà Nội, tôi mang theo lời dặn dò ấy. Tuy nhiên, một thời gian sau, tôi thấy những lời dặn của bạn đã bị thừa. Không biết các cơ quan báo chí khác thế nào nhưng ở NTNN, tôi thấy cái tình con người đối với nhau nó mang đậm chất nông thôn nông dân, tức là còn đậm lắm cách sống theo kiểu tình làng nghĩa xóm.
Chẳng có "ma cũ bắt nạt ma mới", kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu như nhiều người nói. Cũng có thể báo của chúng tôi là tờ viết cho nông thôn nông dân, nhiều khi cùng ăn, cùng làm, cùng ở với nông dân nên chất "nhà quê", "miệt vườn" đã dần dần bồi đắp, ngấm sâu vào máu của chúng tôi chăng.
Dù thời gian có trôi, có xoá nhoà nhiều thứ nhưng giữa chúng tôi, những người làm báo NTNN vẫn có, đang có, và luôn có một sợi dây vô hình níu với nhau bền chặt và ấm áp.
Một hôm, Tổng biên tập Võ Mai Nhung gọi tôi: Đi với chị chút nhé? Em xuống bộ phận tài vụ, lĩnh lương hộ N.A (một biên tập viên) rồi mang cho cô ấy. Cô ấy vừa sinh em bé! Mới sinh thế, sao có thể lên cơ quan để lĩnh lương được.
Lúc ra về, mẹ của bạn ấy tiễn chúng tôi ra cửa rồi cứ xuýt xoa:
- Thay mặt cháu, tôi cám ơn hai cô nhiều! Sống từng đây tuổi rồi, tôi thấy hiếm có một cơ quan nào sếp lại đến thăm nhân viên sinh em bé! Lại còn mang lương đến tận nhà cho…
Cơ quan lúc ấy chỉ có khoảng vài chục người nên hoàn cảnh từng người thế nào, ai cũng tường cả. Trong cơ quan có phóng viên M.T có hoàn cảnh hơi đặc biệt. Anh có một đứa con gái nhỏ nhưng vợ chồng lại vừa ly hôn, mẹ cháu thì chưa có công ăn việc làm. Thế là mấy chục con người ở trong cơ quan ai cũng canh cánh, tìm xem có mối quan hệ nào đều đem ra "xài", cốt tìm cho mẹ của cháu bé một công việc phù hợp.
Một hôm, phóng viên A.H đến gặp tôi:
- Chị ơi! Con gái M.T nó hoàn cảnh quá! Hiện hai mẹ con đang phải ở nhà thuê. Mẹ nó lao động chân tay nên lương rất thấp. Chị là người lớn tuổi ở cơ quan, hay chị đứng ra quyên góp anh em mỗi người mấy trăm mua cho con bé cái ti vi được không?
Tôi mới ngỏ ý với năm bảy người thì đã đủ mua một chiếc ti vi ngon lành tặng cho cháu bé. Trong lúc ấy, M.T bị bệnh nặng phải về quê chữa chạy lâu dài, tôi biết rất nhiều người trong cơ quan đã vượt một chặng đường hơn trăm cây số để về tận quê thăm anh. Khi tôi cùng chồng con vào thăm, nằm trên giường bệnh, M.T nghẹn ngào nắm lấy tay tôi không nói nên lời…
Thời điểm tôi đã có cương vị (Phó Tổng biên tập), Tổng Biên tập Võ Mai Nhung dặn: Ngoài công việc chuyên môn, em chú ý quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm của anh chị em trong cơ quan để chia sẻ được điều gì thì ta nên làm. Thế là, khi biết người thân của cán bộ phóng viên nào ốm đau nặng, tôi đều thay mặt cơ quan đi thăm hỏi.
Hôm đến thăm mẹ của một cán bộ bị bệnh ung thư, lúc ra về, bác ấy cầm tay tôi rơm rớm nước mắt:
- Thật là quý hoá! Quý hoá quá!
Tôi về hưu, xa mái nhà NTNN đã hơn chục năm rồi, mỗi khi nhớ về ngày ấy, trong tôi tràn đầy cảm giác bồi hồi xúc động và hạnh phúc, giống như có một con suối nhỏ mát rượi đang róc rách chảy.
Nghỉ làm báo, tôi chuyển sang viết văn và làm thơ cho vui và để thoả nghề viết lách. Hiện nay tôi đã in được 3 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, và trong năm nay sẽ in tiếp một tập truyện ngắn nữa. Điều đáng nói là, trong thơ và văn của tôi, luôn có dáng dấp những con người tràn đầy nghĩa tình đối với nhau, đã sát cánh cùng nhau suốt một thời gian khó và yêu thương ở NTNN.
Đọc thơ tôi, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có nói:
- Có mấy ai lại nhớ về cơ quan cũ và viết ra những câu thơ da diết nặng tình như em: "Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ thôi/ Tôi vẫn muốn được chạm vào ô cửa/ Ngôi biệt thự số 13 bé nhỏ/ Nép khiêm nhường bên rặng sấu Thuỵ Khuê/ Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ về/ Tôi vẫn muốn mở căn phòng xưa cũ/ Bao tháng năm còn ắp đầy trong tủ/Có ngăn nào đựng nỗi nhớ của tôi"?.
Sau khi về hưu, Tổng biên tập Võ Mai Nhung đã chuyển về Đà Nẵng sinh sống. Từ đó hàng năm, tôi đều vào thăm chị. Tôi thường lưu lại nhà chị khoảng một tuần đến mười ngày. Có lần, tôi đặt vé khứ hồi có một tuần, thế là chị lặng lẽ đổi vé cho tôi ở thêm mấy ngày nữa.
Gặp nhau, chúng tôi toàn kể những câu chuyện, những sự việc và con người của Báo NTNN. Kể ngày này sang ngày khác, mãi mà không hết. Sau đó thì cười ngặt nghẽo, rồi cả rơm rớm nước mắt…
Không chỉ có tôi mà anh chị em trong cơ quan báo, ai có dịp đi công tác hoặc đi du lịch cùng gia đình ở Đà Nẵng cũng đều ghé vào thăm chị. Thế mới biết, chúng tôi đối với tờ báo, đối với nhau nặng nghĩa nặng tình đến thế nào.
Trong thơ văn của tôi, có rất nhiều bài viết tặng chị. Có người nói: Hiếm có một cặp Tổng biên tập và Phó tổng biên tập nào lại quý mến nhau như thế. Cùng là nữ mà sao giữa chúng tôi không bị những thói "thường tình" xen vào.
Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích ra đây một đoạn trong bài thơ tôi viết tặng chị Mai Nhung: "Chẳng phải quê cũng chẳng phải nơi sinh/Sao Đà Nẵng níu tôi về phía ấy/Cánh buồm nào đang chờ mong ai vậy? Ngẩn ngơ buồn đậu bến chẳng ra khơi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.