Dân Việt

Chuyên gia nhận định: Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến muộn, không gay gắt như mùa khô nhiều năm trước

Huỳnh Xây 22/03/2024 08:50 GMT+7
Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến muộn và không gay gắt như mùa khô nhiều năm trước, kể cả năm 2015-2016 và năm 2019-2020 (2 mùa khô gay gắt và thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay).

Ông Thiện khẳng định, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến muộn khá muộn so với hàng năm vì mùa lũ năm 2023 đạt đỉnh muộn khoảng 1 tháng so với trung bình nhiều năm.


Chuyên gia nhận định: Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến muộn, không gay gắt như mùa khô nhiều năm trước- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến muộn và không gay gắt như mùa khô nhiều năm trước, kể cả năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ảnh: Huỳnh Xây

"Phần đuôi của mùa lũ năm 2023 đã lấn sang đầu mùa khô 2024. Trong tháng 1-2 vừa qua, ĐBSCL còn khá ẩm ướt, sang đến tháng 3 thì mới có xâm nhập mặn" - ông Thiện phân tích.

Khi nói về hạn mặn ĐBSCL, theo ông Thiện, phải chia làm 2 vùng khác nhau. Cụ thể là vùng cửa sông Cửu Long (từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) và vùng bán đảo Cà Mau (một phần Bạc Liêu, Cà Mau, một phần Hậu Giang, một phần Kiên Giang).

Riêng vùng cửa sông Cửu Long, hạn mặn là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển, khi nào sông yếu biển mạnh thì mặn lấn sâu và ngược lại.

Mặn ngọt vùng này còn phụ thuộc vào lượng nước sông Mekong từ trên đổ về, vì vậy phụ thuộc vào lượng mưa 2023 và sự vận hành đóng đập hoặc xả đập của các đập thủy điện trong lưu vực sông Mekong, kể cả ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Tây Nguyên ở trên dòng chính và các sông nhánh.

Thế nhưng, tình hình nước sông Mekong năm nay cũng không quá cạn kiệt. Hiện 55 đập thủy điện trong lưu vực Mekong theo dự án MDM của Trung tâm Stimpson, Hoa Kỳ theo dõi thì còn khoảng 25 tỉ m3 nước trong hồ, tức khoảng 51% dung tích hữu dụng của các hồ. Lượng nước này sẽ được xả phát điện trong các tháng tới.

Từ các yếu tố trên có thể thấy, vùng cửa sông Cửu Long tuy có xâm nhập mặn nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020.

Còn vùng bán đảo Cà Mau, nơi này không có hoặc nhận được rất ít nước từ sông Cửu Long. Nguồn nước ngọt chủ yếu là từ lượng nước mưa có được trong mùa mưa 2023 thì sẽ còn chịu ảnh hưởng nắng nóng từ nay đến hết tháng 5/2024.

Cũng theo chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, năm nay, ĐBSCL lại trải qua một mùa khô với thời tiết El Nino nắng nóng. Tình trạng El Nino này đã được công bố từ tháng 6/2023 và dự kiến kéo dài hết mùa khô này. Tuy nhiên, theo dự báo cập nhật thì El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang tình trạng trung tính vào từ tháng 5 đến tháng 6 tới và có thể chuyển sang La Nina mưa nhiều sau đó.

Chuyên gia nhận định: Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến muộn, không gay gắt như mùa khô nhiều năm trước- Ảnh 3.

Người dân tỉnh Sóc Trăng tranh thủ lấy nước tưới cho lúa đông xuân muộn. Ảnh: Huỳnh Xây

Báo cáo của ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cũng thể hiện, hạn hán, xâm nhập mặn năm nay không nghiêm trọng so với mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

"Tính đến ngày 13/3, các đợt xâm nhập mặn trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp xuất hiện muộn hơn khoảng một tháng" - báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng nêu.

Hiện người dân nhiều địa phương ở ĐBSCL đã và đang thu hoạch lúa đông xuân muộn, phần lớn diện tích nằm trong quy hoạch không bị ảnh hưởng.

Riêng diện tích lúa hè thu, người dân trong vùng vừa mới gieo sạ khoảng 195.800 ha (tính đến 15/3), tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, một ít diện tích ở Kiên Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Về vụ lúa này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam yêu cầu các địa phương cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích để góp phần giảm nhu cần nước và hạn chế xâm nhập mặn vào sâu vùng cửa sông ven biển, do tháng 3 và đầu tháng 4 là cao điểm hạn mặn năm nay.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến tháng 5 và tháng 6, dự báo mưa về, nước bớt căng thẳng, việc xuống giống hè thu sẽ đem lại hiệu quả hơn cho sản xuất.