Sáng 22/3, Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) tổ chức họp báo thông tin về Lễ Kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024).
Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ". Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, lao động trong ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành Thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Theo ông Luân, trải qua 65 năm, ngành Thủy sản đã vượt qua "nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành quả, bứt phá vượt bậc". Giai đoạn từ năm 1995 – nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Sản xuất kinh doanh thủy sản chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023. Hiện, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)..
"Ngành Thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Luân khẳng định.
Lãnh đạo Cục Kiểm ngư và Cục Thủy sản cho biết, chào mừng Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị phát triển nuôi biển bền vững, nhìn từ Quảng Ninh; Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và mô hình nuôi biển; Lễ kỷ niệm tại Hà Nội cùng nhiều hoạt động khác.
Lực lượng Kiểm ngư khẳng định vai trò thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển sau 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nói: "Lực lượng Kiểm ngư đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản". Đồng thời, cùng với quá trình hình thành, lớn mạnh, những đóng góp to lớn cho Đất nước của ngành Thủy sản, luôn có sự đồng hành của lực lượng Kiểm ngư.
Ngày 15/4/2014, tại Đà Nẵng, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt với sự tham dự, chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND và Sở Nông nghiệp và PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển. "Đây là một mốc lịch sử, đánh dấu sự ra mắt và đi vào hoạt động của Lực lượng kiểm ngư Việt Nam", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, chỉ ít ngày sau khi lực lượng Kiểm ngư ra mắt, ngày 1/5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống tại Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Lực lượng Kiểm ngư đã kịp thời có mặt tại thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để phối hợp với Cảnh sát Biển Việt Nam tuyên truyền, đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tiến hành thực thi pháp luật, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân Việt Nam.
Với sự đấu tranh kiên quyết, dứt khoát của các lực lượng chấp pháp Việt Nam trên biển, trong đó lực lượng Kiểm ngư, trước những sức ép ngày càng lớn đến từ dư luận trong nước và quốc tế, không còn con đường nào khác, ngày 16/7/2014, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự kiện này đã tạo dấu ấn, tiếng vang lớn trong nước và trên trường quốc tế.
Sau 10 năm ra mắt, hiện nay, đã thành lập 5 chi cục kiểm ngư vùng; Trạm Kiểm ngư Bạch Long Vỹ, Phú Quốc đã được sắp xếp kiện toàn về bộ máy tổ chức, hoạt động hiệu quả; đến nay, đã có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập cơ quan kiểm ngư, trong đó có 2 tỉnh thành lập Chi cục Kiểm ngư (Kiên Giang và Cà Mau).
Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã được triển khai có hiệu quả. Trong 10 năm lực lượng Kiểm ngư đã điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong đó tiêu biểu là Chi đội Kiểm ngư số 2 điều động 867 lượt tàu, Chi đội Kiểm ngư số 3: 197 lượt tàu, Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, Vùng 5: 242 lượt tàu. Phát hiện, xử lý hàng chục nghìn lượt tàu cá vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hàng trăm tỷ đồng.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay, Cục Kiểm ngư được giao thêm nhiệm vụ thường trực công tác chống khai thác IUU, đầu mối thực hiện xử lý hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển...