Tàu cá BĐ-99269TS hành nghề lưới vây, trung bình mỗi tháng có một chuyến biển đánh bắt thuỷ sản ở ngư trường Trường Sa.
Trước khi xuất bến, chủ tàu cùng các thuyền viên kiểm tra kỹ càng các thiết bị, nhất là thiết bị giám sát hành trình.
Theo ngư dân Đỗ Huynh (43 tuổi, trú phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) chủ tàu cá BĐ-99269TS, anh em thuyền viên trên tàu luôn nhắc nhau phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Ông Huynh tin tưởng, khi tất cả ngư dân cùng nhau đồng lòng, thì sẽ tháo gỡ được "thẻ vàng" IUU về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
"Luật của Nhà nước đưa ra như thế nào thì ngư dân chúng tôi đều tuân thủ. Chúng tôi đi đánh bắt ngoài khơi, trên tàu trang bị đầy đủ máy giám sát hành trình, máy dò cá, máy báo tàu. Máy giám sát hành trình chúng tôi bật 24/24h và thường xuyên kiểm tra để máy không bao giờ tắt trong suốt hành trình", ngư dân Huynh nói.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, tỉnh này có 5.488 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã đăng ký hoạt động; trong đó, vùng bờ có 1.327 tàu; vùng lộng 878 tàu; vùng khơi 3.283 tàu.
Theo khuyến nghị của EC, Bình Định đặc biệt quan tâm đến công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đánh bắt xa bờ.
Hiện, tỉnh có 100% tàu cá chiều dài từ 15m trở lên (3.252 tàu) đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Số còn lại 31 tàu chưa lắp đặt do bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động nên chủ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cũng như chưa làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ông Phúc cho biết, đối với những tàu cá từ 15m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân, vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá để xác minh những tàu này không hoạt động là có thật.
"Yêu cầu các chủ tàu này ký cam kết lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản trở lại. Đồng thời, thông báo cho các cảng cá, trạm biên phòng để kiểm soát chặt chẽ, không cho những tàu nói trên xuất bến đi khai thác thủy sản", ông Phúc nói.
Xử lý dứt điểm tồn tại
Trong công tác vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá, Bình Định tổ chức trực hệ thống trạm bờ 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin; phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển…
Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng xác nhận và công tác chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng được ngành chức năng Bình Định thực hiện nghiêm túc.
Đặc biệt, tỉnh Bình Định đã mạnh tay xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm trong hoạt động đánh bắt.
Tại 3 cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan, ngành chức năng đã thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản cập cảng với khối lượng 32.210 tấn.
Ban quản lý Cảng cá Bình Định xác nhận 444 hồ sơ với khối lượng 11.612 tấn; chứng nhận nguồn gốc thủy sản cho 374 hồ sơ với khối lượng 3.825 tấn cá các loại xuất khẩu, không có lô hàng nào bị trả về.
Để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, xử lý rốt ráo những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đối với các đơn vị, địa phương.
Chỉ đạo tăng cường lực lượng tại các cảng cá, tổ IUU của Chi cục Thủy sản, lực lượng tại các Trạm Kiểm soát Biên phòng để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến. Đảm bảo 100% tàu cá đầy đủ các thủ tục khi hoạt động trên biển, giám sát 100% sản lượng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ tại cảng cá.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và ngành chức năng tỉnh này là tập trung thực hiện các biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm những tồn tại, hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách, tới đây làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, với quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU.
Những ngày qua, kể cả ngày nghỉ, trước khi Đoàn Thanh tra của EC làm việc tại Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh đã liên tục chủ trì họp, đi tận nơi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra.
Tại Cảng cá Quy Nhơn và Chi cục Thủy sản Bình Định, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, tiếp tục rà soát toàn bộ hồ sơ xác nhận nguồn gốc sản phẩm.
Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện quy định kiểm tra tàu trước khi ra vào cảng đúng quy định; theo dõi thiết bị giám sát hành trình, đối chiếu nhật ký khai thác sản phẩm; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để chuẩn bị tốt nhất, cho đợt làm việc với Đoàn Thanh tra EC.
Ông Thanh giao nhiệm vụ cho Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các địa phương, bố trí lực lượng túc trực thực hiện các khâu kiểm tra, rà soát, đảm bảo tốt nhất để phục vụ buổi làm việc của Đoàn Thanh tra EC.
Chính quyền tỉnh Bình Định đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt, phụ trách 4 lĩnh vực: Quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thực thi pháp luật, công tác hậu cần để phục vụ công tác kiểm tra của đoàn thanh tra.
Theo ông Thanh, việc gỡ thẻ vàng IIU không phải trách nhiệm chỉ riêng Bình Định mà là của đất nước, của quốc gia. Bình Định được dự kiến là một trong những nơi mà Đoàn Thanh tra EC đến kiểm tra.
Vì vậy, tỉnh này đang tích cực phối hợp với đoàn công tác của Bộ NNPTNT chuẩn bị tốt nhất nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra EC, với quyết tâm rút được thẻ vàng.
"Nếu rút được thẻ vàng thì Bình Định là công thần, có công với đất nước, nhưng nếu không rút được thẻ vàng, tăng thẻ đỏ thì mình là tội đồ", ông Tuấn Thanh nói và cho biết, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và đang cố gắng thực hiện tốt nhất có thể, mục tiêu gỡ thẻ vàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.