Như Dân Việt đã đưa tin, 3 năm, 4 lần đấu giá bất thành, hơn 2.000 xe ô tô của Nhà máy ô tô VEAM (Thanh Hoá) trị giá gần 1.000 tỷ đồng đã bị bốc hơi hàng trăm tỷ đồng. Nếu không có giải pháp khắc phục, lo ngại khối tài sản hàng trăm tỷ này thành đống sắt vụn đang hiện hữu.
2.000 chiếc ô tô VEAM giá ngót nghìn tỷ phải “đày” nắng mưa, chất lượng bị ảnh hưởng
Trả lời PV Dân Việt, chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) cho biết, về mặt kỹ thuật, những chiếc ô tô tải nằm bãi nhiều năm đã không còn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng. Những linh kiện máy móc hoen gỉ, hệ thống điện chắc chắn đã bị mục vì phơi mưa, nắng có thể dẫn đến chập cháy.
"Ô tô là tài sản lớn và có hàm lượng kỹ thuật, điện tử lớn nên khi không sử dụng thời gian dài đương nhiên không đảm bảo. Bỏ hoang quá lâu phơi nắng/mưa nhìn qua đã thấy cabin hoen gỉ, mất sơn, không đảm bảo an toàn. Không những vậy, những ô tô sau 3 năm đã hết hạn đăng kiểm nên không đủ điều kiện lưu hành", ông Hải lý giải.
Lấy ví dụ thực tế, ông Hải Kar cho biết, trước đây những chiếc xe Nissan của Nhật Bản nổi tiếng bền bỉ đã từng tạm nhập tái xuất ở cảng Việt Nam 2 năm đều bị "lão hoá" những chi tiết cao su, nhựa, ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Do đó, những chiếc xe tải để phơi mưa, phơi nắng cũng không phải ngoại lệ.
Cũng theo chuyên gia ô tô này, sau mỗi ngày, giá trị của những chiếc ô tô càng giảm đi bởi sản xuất đã lâu. Ngay cả xe sử dụng thường xuyên cũng liên tục mất giá vì ô tô là tiêu sản. Do đó, ít người dám mạo hiểm "ôm" lô xe "sắt vụn" này.
Về giá trị, trải qua 4 lần đấu giá bất thành, số xe tồn đọng của VEAM bị mất giá nhanh. Cụ thể, trong lần đầu đấu giá vào tháng 11/2021, mỗi chiếc xe của VEAM có giá hơn 422 triệu đồng nhưng đến lần thứ 4, vào tháng 8/2023, giá mỗi chiếc xe của VEAM chỉ còn khoảng 298 triệu đồng/chiếc. Khối tài sản hơn 2.000 xe của VEAM trong lần đầu đấu giá là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm bán không ai mua... đã "bốc hơi" hơn 340 tỷ đồng, chỉ còn nguyên giá chào bán hơn 626 tỷ đồng.Như vậy, bình quân mỗi chiếc xe của VEAM mất giá khoảng 29%, tương đương 124 triệu đồng sau 3 năm. Và nếu không có giải pháp xử lý lô hàng hơn 2.000 chiếc xe nói trên, nguy cơ các mẫu xe phơi nắng mưa này có thể sẽ trở thành đống sắt vụn, vô giá trị với tài sản trăm tỷ của Nhà nước mất không ngày càng hiện hữu.
Về mặt kinh tế, trả lời PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, tình trạng nhà nước đầu tư các dự án không hiệu quả như nhà máy VEAM đã không còn hiếm.
Lấy ví dụ thực tế, trước đây đã diễn ra tình trạng một số dự án máy phân đạm thua lỗ lớn, thế nhưng không có biện pháp xử lý triệt để. Chính vì thế, đến nay nhiều dự án hoạt động kém hiệu quả vẫn ra đời, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
"Quá trình khảo sát đầu tư, thăm dò dự án, thị trường hay điều kiện sản xuất kinh doanh hay nắm bắt công nghệ kỹ thuật còn kém hiệu quả. Từ đó, các doanh nghiệp nhà nước nhập về những thiết bị máy móc lạc hậu, năng suất kém cho ra những sản phẩm chất lượng kém không bán được. Đặc biệt, giá các sản phẩm ở khu vực nhà nước này "trên trời", thậm chí các doanh nghiệp này tự đẩy giá máy móc thiết bị lên khiến giá thành sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng chung", ông Thịnh nói.
Cá nhân ông Thịnh cho rằng, nhà nước đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, tổn thất lớn về mặt kinh tế từ hàng nghìn xe "đắp chiếu" tại VEAM thanh hóa này.
Nhấn mạnh, quan trọng nhất của mọi vấn đề là quyết định đầu tư, ông cho hay, vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước cần làm cẩn thận dựa trên cơ sở cung cầu, chất lượng, kỹ thuật của các ô tô để có những sản phẩm phù hợp với thị trường thì mới có thể tiêu thụ được.
"Sai lầm từ khâu đầu tư không hiệu quả, khoa học khi doanh nghiệp này mua lại nhà máy cũ của Hàn Quốc. Chất lượng, công nghệ sản phẩm chưa đảm bảo, giá cao khiến khách hàng không muốn mua thì đây là vấn đề cần giải quyết, dẫu biết sản xuất ô tô là một việc tốt trong thời buổi công nghiệp hiện nay", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.