Vì sao Bộ Công Thương 'tuýt còi' giới thiệu ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc VEAM?

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 05/01/2020 09:49 AM (GMT+7)
Bộ Công thương tạm dừng giới thiệu ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc VEAM để xác minh năng lực điều hành của ông Hà. Động thái này diễn ra sau 2 tháng kể từ khi Bộ Công Thương có văn bản đề cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, giới thiệu tham gia hội động quản trị và giữ chức tổng giám đốc VEAM.
Bình luận 0

Bộ Công thương vừa có công văn yêu cầu Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) chưa đưa nội dung giới thiệu giữ chức tổng giám đốc đối với ông Phan Phạm Hà, người cách đây chưa lâu đã được Bộ Công thương bổ sung làm đại diện phần vốn tại doanh nghiệp này.

Văn bản chỉ đạo nêu rõ: Bộ Công thương yêu cầu Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM tạm thời chưa đưa nội dung Bộ phận đại diện phẩn vốn nhà nước tại VEAM giới thiệu giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại VEAM đối với ông Phan Phạm Hà - người đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM khi họp hội đồng quản trị, “nội dung này được thực hiện khi có chỉ đạo bằng văn bản của Bộ Công thương”, chỉ đạo nhấn mạnh.

img

Ông Phan Phạm Hà

Được biết, vào ngày 16/12/2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã ký quyết định của Bộ Công Thương về việc cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM nhiệm kỳ 2017-2021. Ông Hà sẽ đại diện cho 292,336 triệu cổ phần nhà nước, chiếm tỷ lệ 22% vốn điều lệ của VEAM.

Đồng thời Bộ cũng điều chỉnh tỷ lệ phần vốn nhà nước như sau: Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT VEAM (24,47%); ông Vũ Quang Tâm, ông Ngô Văn Tuyển (quyền Tổng giám đốc) và ông Lê Hữu Phúc đều sở hữu 14% vốn nhà nước.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản đề cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, giới thiệu tham gia HĐQT, giữ chức tổng giám đốc VEAM.

Ông Phan Phạm Hà, sinh năm 1975, quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông Hà có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị.

Lý do chính Bộ Công Thương 'tuýt còi' giới thiệu ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc VEAM là “Bộ Công thương đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh nội dung tại văn bản do Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM báo cáo lên Bộ ngày 31.12.2019”.

Theo văn bản này, Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM đã có những phân tích lo ngại về năng lực của ứng viên ngồi ghế Tổng giám đốc VEAM – ông Phan Phạm Hà.

Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước chỉ ra rằng, Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) - nơi ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc từ tháng 6/2016 đến nay – bị lỗ liên tục trong các năm 2017 đến năm 2019 một khi tính đúng chi phí khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính.

Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM dự báo: Với cơ cấu vốn, công nợ, tài sản, doanh thu như hiện nay, HAMECO sẽ tiếp tục lỗ và mất cân đối tài chính trong những năm tới.

Cụ thể, doanh thu năm 2017 và 2018 của HAMECO lần lượt chỉ đạt 230 tỷ đồng và 364 tỷ đồng, rất thấp so với vốn chủ sở hữu 645 tỷ đồng. Trong số này, doanh thu từ sản xuất công nghiệp đạt khoảng 200 - 250 tỷ/năm – tức là quy mô về sản xuất và doanh thu của HAMECO rất nhỏ so với một số công ty con vốn rất nhỏ của VEAM.

Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM cho rằng với chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm điều hành HAMECO như hiện nay, ông Phan Phạm Hà không thể phù hợp để Bộ Công thương giới thiệu làm Tổng giám đốc VEAM.

Báo cáo của VEAM cũng nêu 3/4 người đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM không đồng ý bổ nhiệm ông Phan Phạm Hà giữ chức tổng giám đốc do không đủ năng lực chuyên môn.

img

Về VEAM, 9 tháng năm 2019, công ty đạt doanh thu 3.352 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận đến từ công ty liên doanh, liên kết và tiền gửi nên lợi nhuận sau thuế của VEAM tăng lên hơn 5.151 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Mới đây, VEAM đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc chi trả cổ tức năm 2018.

Theo đó, VEAM sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 38,84%. Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ chi ra 5.161 tỷ đồng để thanh toán cổ tức trong đợt này.

Bộ Công Thương hiện đang nắm giữ gần 88,5% cổ phần tại VEAM, sẽ nhận gần 4.566 tỷ đồng trong đợt cổ tức vào đầu năm 2020. Khoản chi trả cổ tức lần này cao hơn nhiều so với đợt đầu tiên vào tháng 8/2018, với hơn 490 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem