Không có con số thống kê đẹp hay xấu, chỉ có con số phản ánh chính xác, trung thực và đúng giá trị thực tế. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biến mà đã được đưa vào chính sách
Cụ thể hóa Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, của Thủ tướng về “Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các bộ ngành, hệ thống chính trị địa phương đã vào cuộc quyết liệt, trong đó, tập trung vào 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
2023 được chọn là năm dữ liệu số, xây dựng dữ liệu, triển khai nền tảng, phân tích dữ liệu. Dữ liệu chính xác có giá trị cốt lõi, là yếu tố then chốt trong tiến trình chuyển đổi số.
Tại một địa phương cụ thể là Bình Định, con số dữ liệu chưa chính xác đang mang đến tâm trạng hụt hẫng. Trớ trêu, hai chỉ tiêu trong năm về "tổng thu ngân sách trên địa bàn", "giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới" mà UBND tỉnh Bình Định công bố tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, đều ước đạt vượt Nghị quyết HĐND đề ra.
Thể hiện sự minh bạch, UBND tỉnh tiếp tục công bố con số thực sau kiểm tra thì hai tiêu chí này đã chuyển trạng thái từ “đạt sang không đạt”. Đồng nghĩa với việc cán bộ từ hoàn thành tốt nhiệm vụ, sang không hoàn thành.
Thậm chí, chỉ tiêu về “tổng thu ngân sách”, số liệu thực tế so với con số ước đạt đã công bố, hụt đến 1.066 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, nguồn thu tiền sử dụng đất, không được lạc quan như kỳ vọng (hụt hơn 645 tỷ đồng).
Như vậy, hai chỉ tiêu quan trọng, đại diện hình ảnh kinh tế - xã hội của tỉnh báo cáo trước đại biểu HĐND, cử tri, lại là con số chưa có thực.
Theo lý giải của lãnh đạo UBND tỉnh, các doanh nghiệp, dự án lớn về bất động sản, hứa nộp tiền sử dụng đất nhưng đến giai đoạn cuối, họ không thực hiện được, khiến tỉnh gần như “không thu được đồng nào” và không còn cách nào khác, ngoài chia sẻ.
Đồng ý rằng, thời cuộc bất động sản đang “bế tắc” và việc thu ngân sách, cán bộ ở tỉnh đã cố gắng hết sức, “họp ngày họp đêm”, trông chờ, kỳ vọng từng giờ.
Nhưng tại sao không công bố số liệu thực trước đại biểu HĐND (con số chính xác về tài khoản, tại thời điểm đó) và ở kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm về chỉ tiêu không đạt, con số “chênh” so với thực tế, không hiểu vì lý do gì, việc này lại bị phớt lờ (?)
Không ai chịu trách nhiệm, khiến đại biểu phản ứng, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi lên tiếng nhắc nhở, các ngành UBND tỉnh hoàn chỉnh lại báo cáo, trước khi giải trình, nhận trách nhiệm với cử tri.
Nhìn vào con số thực, diễn biến thu ngân sách ở Bình Định không bình thường, năm 2021, đạt hơn 14.000 tỷ đồng, năm 2022 đạt 16.500 tỷ đồng, đến năm 2023 giảm còn 12.700 tỷ đồng.
Từ con số thực, bất đắc dĩ lãnh đạo tỉnh phải tính đến phương án cắt giảm một số danh mục dự án đầu tư công dù đã thông qua, vì sợ nợ lớn. Sự kiện hi hữu này, khiến lãnh đạo đương nhiệm “đau lòng, trăn trở”, lo sẽ không tròn trách nhiệm với dân.
Câu chuyện trên khá nhạy cảm, liên quan đến hình ảnh, sự phát triển của địa phương. Nhưng dù với bất kỳ lý do nào, số liệu của cơ quan công quyền, phải chính xác, phản ánh đúng với thực trạng. Vì chỉ có con số thực, lãnh đạo mới đưa ra được quyết sách đúng đắn.
Nếu dùng con số ảo, khai khống để trục lợi, thì cái giá phải trả rất đắt. Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra xét xử vụ án kê khai 1.213 mộ giả, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng của nhà nước, khi GPMB dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế".
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm bởi số lượng bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng lớn nhất, từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
71 bị cáo, trong đó 55 bị cáo là người dân, bị tuyên phạt tù từ 1-10 năm về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Chuyển đổi số phát triển, mối liên hệ giữa địa phương với bộ ngành Trung ương, Chính phủ, được kết nối trên không gian mạng. Khi tốc độ truyền tải thông tin chỉ cần một cú click chuột, dữ liệu chính xác đóng vai trò “sống còn”.
Dữ liệu là nền tảng số của quốc gia, từ dữ liệu có thể số hoá, phân tích thực trạng, giúp cơ quan nhà nước đưa quyết định sát thực tiễn, nếu dữ liệu sai thì hệ lụy vô cùng lớn.
Hiện nay, đã có sự cá nhân hoá trong dữ liệu, giữa các cơ quan đối chiếu, kiểm chứng chéo lẫn nhau, thậm chí một người dân cũng có thể giám sát, từ quan sát thực tiễn, vậy nên số liệu ảo, rất dễ bị phát hiện.
Một ví dụ dễ hiểu, về số khách du lịch đến các địa phương năm 2023. Quảng Ninh đón 15,5 triệu lượt khách, Quảng Nam đón 7,5 triệu, Bình Định đón hơn 5 triệu, Khánh Hoà đón hơn 7,2 triệu…
Tuy nhiên, khi kết quả vừa công bố, người dân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở một số địa phương, không đồng tình về “con số đẹp” và cho rằng số liệu trên thiếu thực tế, chưa đáng tin cậy vì kinh doanh khó khăn.
Tại Bình Định, ngay cả họp Ban Thường vụ, lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhận được đề nghị xem lại con số đón du khách, vì thực tế khách sạn “tắt đèn”, hàng quán ế ẩm.
Tất nhiên, như mọi địa phương, Bình Định tính theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia). Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, cách tính này có trùng lặp. Không chỉ tính khách ngoài tỉnh đến lưu trú mà có cả khách trong tỉnh, rồi 1 người đi 3 khu/điểm du lịch, con số thống kê sẽ được tính là "3 lượt khách".
Ở nước ta, con số mà cơ quan quản lý du lịch các cấp đưa ra thời gian qua, bộc lộ nhiều bất cập, nguồn dữ liệu để nhận diện chính xác bức tranh du lịch thiếu tin cậy, có lỗ hổng.
Trong Công điện 06 của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi các Bộ: VHTTDL, KH&ĐT, Tài chính, TT&TT, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hồi tháng 1, Thủ tướng nhận thấy ngành du lịch Việt còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn.
Nguyên nhân của hạn chế này, là do công tác điều tra, thống kê du lịch còn bất cập, chưa có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng bộ để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL triển khai nền tảng số về “Quản trị và kinh doanh du lịch” theo Nghị quyết số 82/NQ-CP, hoàn thành trong quý 2/2024.
Định kỳ triển khai các cuộc điều tra thống kê du lịch để có cơ sở biên soạn hệ thống dữ liệu, bảng biểu thống kê, phù hợp với Chương trình điều tra thống kê quốc gia và chuẩn thống kê quốc tế…
Không có con số thống kê đẹp hay xấu, chỉ có con số phản ánh chính xác, trung thực và đúng thực tế. Từ con số thực, mới hoạch định đưa ra quyết sách đúng đắn.
Mới đây, con số 350.000 tỷ đồng mà Bộ VHTTDL đề xuất để chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, cũng gây “choáng” dư luận.
Đây là con số rất lớn, nhưng đằng sau còn những vấn đề lớn hơn cần giải trình và đưa ra dẫn chứng thuyết phục. Nhiều bộ ngành đã vào cuộc phản biện, đề nghị làm rõ.
Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế, trong khi phải triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, để đảm bảo bố trí ngân sách phù hợp.
Về con số 350.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, được tổng hợp từ các địa phương và đây là con số khái quát, còn phải lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn, để tính toán.
"Nhiều khi không hiểu, chưa có thông tin đầy đủ sẽ đặt câu hỏi Bộ VHTTDL làm gì mà cần 350.000 tỷ đồng, trong lúc đất nước còn khó khăn lấy đâu ra. Tôi nói rõ số tiền này không phải lấy cho bộ", ông Hùng nói và khẳng định: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Bộ sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến hợp lý cho chương trình, kể cả những ý kiến khó nghe hoặc hiểu không đúng, bởi họ yêu quý thì mới góp ý".
Phản biện trước dữ liệu là vô cùng cần thiết, bởi vẫn còn thực trạng, số liệu thành tích thì “tô vẽ” long lanh, số liệu tiêu cực dùng nghệ thuật che giấu, còn số liệu để nhận chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước, lại cao “vống” lên.
Cần tôn trọng sự phản biện, đừng để con số ảo đánh bại giá trị thật.