Theo tìm hiểu của phóng viên, mùa khô năm nay, trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau, nhất là huyện Trần Văn Thời xảy ra nhiều vụ sụt lún đất. Tình trạng này được ghi nhận tập trung nhiều nhất tại các xã Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc.
Các vụ sụt lún đất đã thiệt hại nhiều đoạn đường giao thông, ảnh hưởng cuộc sống người dân và sản xuất.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 11/3, có 131 tuyến kênh tại huyện Trần Văn Thời bị sụt lún đất, sạt lở, với tổng chiều dài 14.500m với 550 điểm, ước tính thiệt hại khoảng 19,3 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún đất ở địa phương là do mùa khô năm nay mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước cạn nhanh.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để sản xuất, làm gia tăng tình trạng khô cạn các sông, kênh rạch. Từ đó, gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.
Liên quan đến tình trạng trên, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, không chỉ năm nay, việc sụt lún đất nghiêm trọng bên trong các vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau (nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời) và vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã xảy ra vào mùa khô 2020.
Nguyên nhân của hiện tượng sụt lún đất này khá đơn giản. Trước đây các vùng này có hai mùa mặn và ngọt. Mùa mưa thì ngọt nhờ nước mưa, đến mùa khô khi nước mưa bốc hơi hết thì còn lại nước mặn từ biển vào.
Sau khi các vùng này được bao đê trữ nước mưa để ngọt hóa quanh năm thì nước mặn không còn vào được nữa. Trong những năm El Nino khô hạn cực đoan thì lượng nước mưa từ mùa mưa trước đã bị cạn kiệt ngay đầu mùa khô năm sau nên kênh mương nội đồng bị cạn, có khi đáy kênh cũng nứt đất làm cho đất bị co ngót dẫn đến sụt lún.
"Ở những nơi đắp đất làm đường giao thông ven kênh thì sụt lún càng mạnh hơn, làm hư hại đường sá" - ông Thiện nhấn mạnh.
Ông Thiện nêu rõ, hiện tượng sụt lún vùng ngọt hóa nói trên là sụt lún cục bộ, không liên quan đến tình hình sụt lún chung của toàn ĐBSCL (do khai thác nước ngầm tầng sâu gây nên).
Còn vì sao, trong mùa khô năm nay, đến thời điểm này, vùng ngọt hóa Gò Công vẫn chưa bị sụt lún, ông Thiện cho hay, nơi này vẫn còn nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Tiền qua cống Xuân Hòa. Khi nào mặn lấn sâu qua cống Xuân Hòa, không còn lấy nước ngọt được nữa và nếu nắng nóng kéo dài một thời gian làm cho các kênh nội đồng như kênh 14 bị cạn kiệt thì vùng ngọt hóa Gò Công cũng sẽ bị sụt lún như từng xảy ra năm 2020.
"Nếu các vùng này vẫn duy trì ngọt hóa thì hiện tượng sụt lún đất này sẽ còn diễn ra mãi mãi trong tương lai khi vào mùa khô, có thời tiết nắng nóng, El Nino cực đoan. Trong bối cảnh nước biển càng ngày càng dâng cao hơn, cả đồng bằng đang chìm xuống và sự xuất hiện các năm El Nino nắng nóng cực đoan thường xuyên thì các vùng ngọt hóa này ngày càng mong manh hơn: mùa khô sẽ không có nước ngọt, sụt lún hư hại đường sá thường xuyên" - ông Thiện nhận định.
Để không còn tình trạng sụt lún vào mùa khô cực đoan, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, các vùng ngọt hóa cần được chuyển trở lại điều kiện tự nhiên mặn ngọt theo mùa, đúng theo quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/2/2022.