Ngày 26/3, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có khoảng 2.100ha cây trồng bị ảnh hưởng trước tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn cấp nước bị sụt giảm cục bộ.
Nhiều diện tích cây trồng của người dân tại Lâm Đồng đã bị ảnh hưởng trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nhiều tháng không có mưa.
Phần lớn, diện tích cây trồng bị nắng hạn trên nằm tại các khu vực không có công trình thuỷ lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận xảy ra tình trạng thiếu nước làm chết cây trồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian vừa qua lượng mưa trung bình trên địa bàn toàn tỉnh đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Chính vì vậy, mực nước trên các sông suối đang giảm dần, nhất là các suối nhỏ đang giảm mạnh.
Ghi nhận, huyện Lâm Hà là huyện có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng lớn nhất với hơn 1.500ha. Tiếp đến là huyện Đạ Tẻh với 380ha, huyện Cát Tiên 95ha, huyện Bảo Lâm 35ha và huyện Di Linh với 20ha tại xã Tam Bố.
Anh Nguyễn Văn Thùy (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, năm nay tình trạng khô hạn trở nên khắc nghiệt hơn nhiều so với mọi năm. Hàng năm, sau Tết Nguyên Đán thường có vài trận mưa, tuy nhiên, năm nay trời nắng nóng liên tục, không có mưa. Chính vì vậy, người dân địa phương phải tận dụng lượng nước tích trữ trong các ao, hồ để tưới cà phê. Đối với các gia đình ở đỉnh đồi, xa nguồn nước thì rất khó để tưới được nước cho cây trồng, chỉ mong trời mưa để giải tỏa "cơn khát".
Người dân tại Lâm Đồng phải tìm mọi biện pháp để có nước tưới cho cây trồng trong mùa nắng hạn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh Lâm Đồng, từ nay đến hết tháng 4/2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, mùa mưa có khả năng bắt đầu muộn hơn so với quy luật nhiều năm từ 10 đến 15 ngày (bắt đầu từ nửa cuối tháng 5).
Trong đó, lượng mưa tháng 4 sẽ phân bố không đều, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C, dự kiến ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán vẫn tiếp tục kéo dài, từ cuối tháng 5 trở đi lượng mưa và mực nước sông suối tăng dần.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt trong ngày 25/3, tại một số huyện tại tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, TP. Bảo Lộc đã có mưa.
Điều này giúp cho một diện tích lớn cây trồng như cà phê, sầu riêng, dâu tằm của người dân được giải khát, bừng tỉnh sau nhiều ngày nắng nóng. Trận mưa chiều ngày 25/3 được xem là trận "mưa vàng" giúp cho cây trồng của nhiều gia đình thoát cảnh khô héo, hư hại.