Chuyển nhượng tín chỉ carbon ở Việt Nam, giá bao nhiêu là hợp lý, nông dân hưởng lợi còn ít?
Chuyển nhượng tín chỉ carbon ở Việt Nam, giá bao nhiêu là hợp lý, nông dân hưởng lợi còn ít?
Nguyễn Anh Dũng
Thứ ba, ngày 26/03/2024 10:08 AM (GMT+7)
Xung quanh câu chuyện chuyển nhượng tín chỉ carbon, thời gian gần đây có ý kiến cho rằng mức giá 5 USD/tấn carbon của Việt Nam là khá thấp. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bán tín chỉ carbon nhưng giá cao hơn gấp nhiều lần.
Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 có thể chuyển nhượng
Bộ NNPTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính (GPT) còn dư thuộc giai đoạn 2018 - 2019.
Báo cáo nêu rõ, tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) có thư gửi Bộ NNPTNT xác nhận báo cáo kết quả thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải kỳ 1 vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, WB xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký. Với giá chuyển nhượng 5 USD/tấn CO2, số tiền thu về ước khoảng trên 1.200 tỷ đồng.
Tiếp nhận nguồn tiền thu từ ERPA, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã thực hiện điều phối 962 tỷ đồng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 107/2022. Đến nay, 6 tỉnh đã thực hiện chi trả 168 tỷ đồng cho các chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Số tiền còn lại, các tỉnh tiếp tục thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn tỉnh trong năm 2024-2025 theo quy định.
ERPA được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm WB với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF) nhằm chuyển nhượng lượng GPT 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024, với đơn giá 5USD/tấn CO2 , tương đương 51,5 triệu USD.
Giữa tháng 12/2023, sau khi Bộ NNPTNT ký văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2, WB có thư xác nhận chuyển giao lại khoảng 95% kết quả giảm phát thải đã chuyển nhượng cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC) theo cam kết đã ký. Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018 - 2019.
Bộ NNPTNT đề xuất cho phép chuyển nhượng 1 triệu tấn CO2 cho WB theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC. Tổng số tiền dự kiến thu được từ chuyển nhượng lượng GPT còn dư là 5 triệu USD và được sử dụng theo quy định tại Nghị định số 107/2022. Thời gian hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/2024.
Ngày 13/12/2023, Bộ NNPTNT đã có Văn bản số 9146 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính và UBND 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ xin ý kiến về chuyển nhượng bổ sung lượng GPT vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2019. Nhìn chung, các bộ và địa phương nêu trên đều đồng thuận với phương án chuyển nhượng bổ sung lượng GPT cho WB. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính và một số địa phương đề nghị xem xét về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm WB.
Theo Công thư ngày 6/10/2023, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các đối tác tiềm năng để thương mại kết quả GPT còn lại (4,91 triệu tấn CO2), trong đó có phương án thí điểm đấu giá kết quả GPT.
Giá bán bao nhiêu hợp lý?
Bộ NNPTNT thông tin, khi cho ý kiến về phương án chuyển nhượng, các bộ và địa phương đều đồng thuận phương án chuyển nhượng bổ sung lượng giảm phát thải cho WB như Bộ NNPTNT đề xuất. Song, Bộ Tài chính và một số địa phương đề nghị xem xét về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho đối tác khác ngoài WB.
Thực tế, xung quanh câu chuyện chuyển nhượng tín chỉ carbon, thời gian gần đây có những ý kiến cho rằng mức giá 5 USD/tấn carbon của Việt Nam là khá thấp. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bán tín chỉ carbon nhưng giá cao hơn gấp nhiều lần. Ví dụ, ở châu Âu, tín chỉ carbon có thể được bán với mức giá từ 120 - 150 USD/tấn carbon, các thị trường khác có thể bán từ 70 -100 USD/tấn carbon.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, 5 USD/tấn carbon là mức giá chuyển nhượng theo hình thức tự nguyện, nên thấp hơn giá theo hình thức bắt buộc. "Chuyển nhượng theo hình thức bắt buộc, mức giá do từng quốc gia áp đặt. Còn chuyển nhượng theo hình thức tự nguyện là có sự trao đổi giữa người mua và người bán" - ông Trị nói. Bên cạnh đó, kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018 - 2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại.
Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện thế giới dao động từ 2 - 4 USD/tấn CO2, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất trên thế giới năm 2021 đạt 3,07 USD/tấn CO2. Theo trang carboncredits.com chuyên cập nhật và theo dõi thị trường carbon trên thế giới, mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 5/3 đạt 1,57 USD/tấn CO2. "Quan trọng là WB chỉ mua tượng trưng, họ thực nhận 5%, còn tới 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC. NDC là cam kết của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21" - ông Trị nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, ước tính giai đoạn 2021 - 2030, nếu làm tốt, Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỉ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Dù vậy, để bán được giá cao, cần nâng chất lượng tín chỉ carbon rừng. Không chỉ đơn thuần là làm tăng khả năng hấp thụ, mà còn cần cải thiện điều kiện làm việc của những người thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ; liên quan đến các tiêu chí về kinh tế - xã hội và môi trường bền vững...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.