Chị Nguyễn Thị T. (25 tuổi, Đông Anh, Hà Nội), công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long từng ngậm ngùi chia sẻ: Trước đây có ngày chị phải làm việc tới 13 tiếng nhưng tiền lương cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Giờ việc ít, tiền lương cũng giảm còn có 6-7 triệu đồng.
Nhìn lại nhà chị hàng xóm, vợ chồng là công chức, nhưng sáng đi muộn chiều về sớm chị lại so sánh. "Người ta nói công chức sướng là có thật, sáng 7h30 chị ấy mới đi làm, chiều 5 giờ đã được về đón con, nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Lương hơn 9 triệu đồng rồi vẫn kêu", chị T nói.
Cùng chung sự so sánh, anh Triệu Văn Việt (32 tuổi) ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ, trước đây 2 vợ chồng anh tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân rồi ra làm ngoài. Công ty tư nhân, lương lậu lúc trồi lúc sụt, không ổn định. Sau đó, vợ chồng anh quyết định "chạy" đua để giành 1 suất đưa vợ vào làm công chức. Vật lộn sau nhiều vòng thi tuyển, chị vợ anh Việt cũng trúng công chức.
"Hồi đầu mới vào, tôi và vợ cũng khá sốc về tiền lương, 27 tuổi đầu mới bắt đầu nhận bậc lương khởi điểm. Lương thấp, nhưng được cái công việc vợ tôi nhàn, có thời gian đưa đón con. Thi thoảng làm thêm các dự án ngoài, tính ra công việc lại thoải mái, nhàn hạ hơn tôi mà lương còn cao hơn tôi", anh Việt chia sẻ.
Hiện nay, mức lương của anh Việt rơi vào khoảng 12 triệu đồng, chưa kể phụ cấp. Nhưng thu nhập của vợ anh có khi lên tới 20 triệu đồng/tháng.
"Nếu nói để so sánh từ chế độ, tiền lương, tiền công, rồi thời gian làm việc, tôi thấy công chức vẫn nhàn hơn nhiều. Cũng may nhà có 1 người được vào công chức", anh Việt cười chia sẻ.
Cải cách tiền lương tới đây đặt mục tiêu tăng 30% nền tiền lương cho công chức, viên chức. Đồng thời đặt nền tiền lương của công chức, viên chức trong mối tương quan với khối doanh nghiệp.
Thực tế, các con số thống kê đều cho thấy bình quân tiền lương của khu vực tư đang cao hơn khu vực công. Tuy nhiên, do đặc thù khu vực công làm hành chính nhiều hơn, trong khi khu vực tư lại đa phần là các doanh nghiệp hoạt động trực tiếp. Tiền lương khu vực tư bị quyết định bởi tiền lương tối thiểu vùng.
Lương thấp được cho là nguyên nhân chính khiến cho công chức, viên chức không có động lực làm việc, cống hiến, vì thế năng suất lao động ở khu vực công thấp, không có sự đột phá.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết tiền lương ở khu vực công, chính sách tiền lương khá phức tạp, chưa tuân theo quy luật kinh tế thị trường, chưa thiết kế hệ thống thang lương, bảng lương theo vị trí việc làm, còn bình quân, cào bằng, quá coi trọng thâm niên, chưa gắn với kết quả công tác, không tạo được động lực mạnh mẽ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
“Bên cạnh đó, quy định về mức lương và cơ cấu tiền lương cũng chưa hợp lý. Mức lương cơ bản được quy định bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở đã che lấp giá trị thực của tiền lương và còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống và chưa là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương”, ông Hiểu nói.
Việc nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Đối với lực lượng vũ trang, việc nâng lương đối với sĩ quan vừa theo chế độ phong, thăng cấp bậc quân hàm, vừa theo thâm niên không nhất quán. Việc xét và thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cơ chế quản lý tiền lương chưa có giải pháp hữu hiệu để gắn tiền lương với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chậm thực hiện đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, chuyên gia lao động cho rằng cần sớm tăng lương cho khu vực công bởi đây là khu vực đầu tàu có thể dẫn đầu, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành kinh tế.
“Mọi sự so sánh tiền lương ở khu vực công và khu vực tư là không hợp lý. Tuy nhiên, Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương cũng xác định rõ tiền lương của khu vực công phải đặt trong mối tương quan với tiền lương của khu vực tư”, chuyên gia này nói.