Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Goang Trương Quang Hải phát biểu kết luận hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm chùa Bằng Quang thuộc bản Gốc Bòng, xã Đổng Tiến, huyện Yên Thế.
Thực hiện Quyết định của Bộ VHTTDL, từ ngày 20/11/2023, Sở VHTTDL giao Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm chùa Bằng Quang thuộc bản Gốc Bòng, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế.
Chùa Bằng Quang (tên chữ là Bằng Quang tự), tọa lạc trên một quả đồi thấp hình mai rùa, có diện tích trên 1.200m2, là địa điểm giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn. Hiện trạng khu vực di tích này gồm các công trình: Chùa, đình, nhà mẫu, giếng nước và nhà bếp.
Các đại biểu quan sát thực địa hố khai quật khảo cổ di tích chùa Bằng Quang (xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
Qua đợt khảo sát của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang vào năm 2022, cho thấy khu vực chùa Bằng Quang hiện còn lưu giữ nhiều di vật, tiêu biểu như: Gạch in hình hoa chanh, ngói mũi sen, mảnh lá để trang trí hình rồng … có niên đại thời Trần (thế kỷ 13 – 14).
Các đại biểu tham quan trưng bày các di vật thu được tại cuộc khai quật khảo cổ di tích chùa Bằng Quang (xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
Sau thời gian tiến hành khai quật trên diện tích 200m2, đã xuất lộ phạm vi kiến trúc trên diện tích gần 90m2 nằm ở chính giữa hố khai quật.
Qua đó, thu được một số lượng lớn các di vật bao gồm vật liệu kiến trúc, các mảnh trang trí, đồ gốm …; trong đó, đa số các di vật có niên đại thời Trần (thế kỷ 13 – 14).
Thông qua kết quả khai quật, bước đầu khẳng định đây là di tích Phật giáo tiêu biểu thời Trần thuộc Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Đồng thời, có cơ sở cho một nhận định mới về quá trình hình thành, phát triển và hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn rộng lớn thuộc tỉnh Bắc Giang.
Quang cảnh hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm chùa Bằng Quang thuộc bản Gốc Bòng, xã Đổng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả, ý nghĩa của cuộc khai quật và bổ sung nhiều luận cứ làm sáng tỏ thêm nhận định về công trình kiến trúc thời Trần thuộc Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Từ đó, cũng đề xuất các phương án bảo tồn, quy hoạch tổng thể nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước mắt, cần lập hồ sơ đề nghị xếp hạng địa điểm khảo cổ học chùa Bằng Quang là di tích cấp tỉnh.