Một vùng đất ở Bắc Kạn từng được Bác Hồ đặt tên là Hy Sinh và Phấn Đấu, nay là xã nào?

Thứ sáu, ngày 29/03/2024 15:22 PM (GMT+7)
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, Phương Viên và Bằng Viễn (sau sáp nhập thành xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) là các xã có phong trào Việt Minh phát triển nhanh và mạnh. Trong hành trình lịch sử từ Pác Bó về Tân Trào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) đã dừng chân tại đây...
Bình luận 0
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, Phương Viên và Bằng Viễn (sau sáp nhập thành Phương Viên) là các xã có phong trào Việt Minh phát triển nhanh và mạnh. Trong hành trình lịch sử từ Pác Bó về Tân Trào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dừng chân tại đây và có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, đặc biệt Người đã đặt tên mới cho hai xã này.
Một vùng đất ở Bắc Kạn từng được Bác Hồ đặt tên là Hy Sinh và Phấn Đấu, nay là xã nào?- Ảnh 1.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng với nông dân Bắc Kạn năm 1951.

Theo các tư liệu, buổi chiều 15/5/1945, Bác Hồ đặt chân đến đất Phương Viên, hôm đó Ban Việt Minh xã bố trí cho Bác ở nhà ông Hoàng Văn Cao ở Bản Cài, thuộc thôn Nà Làng, xã Phương Viên. 

Sau bữa cơm Bác đề nghị bố trí một cuộc gặp mặt với đại diện Việt Minh, Ủy ban nhân dân lâm thời xã và các cụ cao tuổi ở địa phương để tranh thủ nói chuyện về tình hình chính trị thế giới, tình hình cách mạng trong nước, nhiệm vụ đánh Tây, đuổi Nhật, tiến tới cao trào cách mạng, giành chính quyền trong phạm vi cả nước,

Sáng hôm sau (16/5/1945) Bác cùng đoàn đi đến Pác Cài nơi hai con suối gặp nhau, cách châu lỵ Chợ Đồn khoảng 1 km thì nghe có tiếng súng nổ phía Châu lỵ Chợ Đồn, lập tức mọi người phân tán theo quy định từ trước.

Ông Nông Văn Lạc, người theo Bác trong chuyến đi đó kể lại trong hồi ký "Ánh sáng đây rồi": “Tiền trạm đi được một quãng quay lại, báo cáo Nhật đã đến gần Chợ Đồn. Chúng tôi quay lại đường về Bằng Phúc. Nghe tiếng súng nổ phía trên đồn cũ. Anh em về báo Nhật kéo vào cả đường Bằng Lũng”.

Một vùng đất ở Bắc Kạn từng được Bác Hồ đặt tên là Hy Sinh và Phấn Đấu, nay là xã nào?- Ảnh 2.

Di tích lịch sử nền nhà ông Lăng Văn Quân ở Khuổi Đải, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Nguồn: Sách ảnh “Đất và người vùng ATK Chợ Đồn”

Trước tình hình trên, Ban Việt Minh, Ủy ban lâm thời, Ban Chỉ huy tự vệ xã dẫn đoàn công tác và Bác ngược lên Bản Pịt, vào Khuổi Luông, vượt đèo Khuổi Khuy, đến bản Tổng Lường rồi qua Khuổi Đải (một bản nằm ở chân núi Tam Tao thuộc xã Bằng Viễn).

Ban Việt Minh và Ủy ban nhân dân lâm thời bố trí để Bác nghỉ tại nhà ông Lăng Văn Quân, tại đây Người yêu cầu Ban Việt Minh và các tổ chức của xã hãy đoàn kết chặt chẽ, giữ gìn bí mật, không đi phu cho Nhật, không nộp thóc cho Nhật... củng cố phong trào cách mạng. Bác đã đặt tên cho hai xã: “Bằng Viễn gọi là xã Hy Sinh, Phương Viên gọi là xã Phấn Đấu”. Sau đó ít ngày, tên xã Hy Sinh được khắc thành trong con dấu của Ủy ban nhân dân xã, được sử dụng đến ngày sáp nhập với xã Phương Viên năm 1947.

Một vùng đất ở Bắc Kạn từng được Bác Hồ đặt tên là Hy Sinh và Phấn Đấu, nay là xã nào?- Ảnh 3.

Bản sao thẻ cử tri do UBND xã Hy Sinh cấp ngày 23/12/1945 cho công dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/01/1946)

Về một số chi tiết liên quan đến sự kiện này, ông Hà Văn Tồn, ở thôn Bằng Viễn năm nay đã 88 tuổi kể lại chuyện cha mình là ông Hà Văn Tường được giao nhiệm vụ đưa công văn mật cho Bác vào ngày 16/5/1945 như sau:

Một vùng đất ở Bắc Kạn từng được Bác Hồ đặt tên là Hy Sinh và Phấn Đấu, nay là xã nào?- Ảnh 4.

Chân dung cụ Hà Văn Tường.

Sau cuộc nói chuyện ở nhà ông Lăng Văn Quân, Bác đề nghị xã lựa chọn hai đội viên tự vệ để Người giao nhiệm vụ mang công văn mật tới trạm tiếp đón tiếp theo ở Bản Duồng, xã Ngọc Phái. Hai đội viên được lựa chọn là ông La Đình Sôi và ông Hà Văn Tường. Ông Nông Văn Lạc thảo công văn vào một mảnh giấy nhỏ rồi đưa cho Bác xem và ký, rồi cuộn lại nhỏ như điếu thuốc lá và đưa cho đội viên Sôi, sau đó đội viên Sôi chuyển cho đội viên Tường cầm và cùng lên đường ngay để chuyển gấp đến trạm tiếp đón Bản Duồng.

Ông Lạc dặn: "Ra khỏi làng đồng chí lấy lá cây gói công văn lại và luôn cầm trong tay, trên đường đi nếu không may gặp giặc thì ném đi ngay, không kịp thì bỏ vào mồm nhai rồi nuốt, nếu không may bị bắt, bị tra khảo thì cương quyết không khai bất cứ điều gì! trên đường đi cứ khoảng 10m thì bẻ một cây nhỏ xuôi về phía trước (không được bẻ gẫy, hoặc chặt đứt) để đánh dấu đường cho đoàn theo đó mà đi”. Hai đội viên đã chuyển công văn mật đến trạm tiếp đón Bản Duồng đó là nhà ông Hoàng Văn Quý, cựu lý trưởng xã Ngọc Phái.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hai đội viên quay lại theo đường cũ, ngược dòng khe, cách Nặm Cảng không xa thì gặp đoàn của Bác đang ngồi nghỉ tại một thửa ruộng mạ, hai đội viên liền báo cáo với Bác về nhiệm vụ Người giao đã hoàn thành, trên đường đi không có sự cố nào. Bác khen ngợi và bắt tay cảm ơn hai đội viên và căn dặn hai người ở lại tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ được giao cùng toàn dân trong xã hoàn thành chương trình Việt Minh cấp bách trước mắt.

Khoảng ba tháng sau, xã Hy Sinh nhận được một bức thư khen của lãnh tụ Hồ Chí Minh về sự đón tiếp, bảo vệ, phục vụ đoàn cán bộ trong thời gian đoàn qua địa phận xã Hy Sinh ngày 16/5/1945.

Một vùng đất ở Bắc Kạn từng được Bác Hồ đặt tên là Hy Sinh và Phấn Đấu, nay là xã nào?- Ảnh 5.

Ông Hà Văn Tồn chỉ về bản Tổng Lường, nơi Bác đi qua ngày 16/5/1945.

Ông Hà Văn Tồn cho biết thêm, sau lần mang thư và nhớ lời dặn của Bác ngày đó, cha ông là cụ Hà Văn Tường càng tích cực tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, được kết nạp vào Đảng năm 1948, từng giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã Phương Viên, Bí thư Ban Chấp hành Nông dân huyện Chợ Đồn, Phó Chủ tịch MTTQ xã cho đến khi về hưu năm 1979. Sinh thời, cụ thường kể lại về sự kiện này với niềm vinh dự, tự hào, cụ luôn dạy bảo, căn dặn con cháu càng tự hào về truyền thống gia đình, càng phải ra sức học tập, lao động và làm theo tấm gương Bác Hồ kính yêu.

Tự hào được đón, bảo vệ Bác Hồ vượt qua hiểm nguy trong hành trình lịch sử từ Pác Bó về Tân Trào và vinh dự được Người trực tiếp đặt tên cho xã, 79 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phương Viên vẫn khắc ghi lời Bác dạy, chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, nổi bật là xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới vào năm 2022.

Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phương Viên thể hiện tấm lòng kính yêu Bác; ra sức học tập, lao động, công tác, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; quyết tâm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội.

Kim Kim (Báo Bắc Kạn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem