Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm thêm hiện vật, di vật, cổ vật, tư liệu, hình ảnh độc đáo và quý hiếm về lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp trong cuộc sống, sinh hoạt, cũng như trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước.
Hiện nay, Bảo tàng đang sở hữu hơn 30.000 hiện vật, trong đó có những hiện vật thuộc loại độc bản, quý hiếm, đặc biệt, có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia và bộ sưu tập hiện vật vàng Văn hóa Óc Eo – Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, Bảo vật quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp có tượng thần Vishnu có niên đại thế kỷ VI và tượng nữ thần Laksmi có niên đại thế kỷ VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp.
Tượng thần Vishnu làm bằng chất liệu sa thạch, chiều rộng 28 cm, chiều cao 64 cm, nặng 8,6 kg, phát hiện tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Gò Tháp ở huyện Tháp Mười.
Tượng nữ thần Laksmi làm bằng chất liệu sa thạch, chiều rộng 23 cm, chiều cao 92 cm, nặng 21 kg, do người dân đào đất phát hiện tại Gò Rượu, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng.
Bộ sưu tập vàng Văn hóa Óc Eo – Gò Tháp được xác lập kỷ lục nhiều nhất Việt Nam; sưu tập 49 hiện vật vàng được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ tại Di tích quốc gia đặt biệt khảo cổ - Kiến trúc Nghệ thuật Gò Tháp, thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười.
2 tượng thần Vishnu tìm thấy ở Khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp) được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: baodongthap.vn.
Đây là bộ sưu tập vàng nhiều nhất về số lượng, phong phú về hình dáng và nội dung nghệ thuật chạm khắc…, đã phản ánh đậm nét về đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân Văn hóa Óc Eo.
Mỗi lá vàng chạm khắc hình thần Vishnu, bò thần Nandin, lợn thần Vahara, chim thần Garuda, rắn thần Shesha, rùa thần Kurma, bánh xe Chakra, ốc Sankha, đinh ba, hình trăng khuyết, hoa sen, hoa súng.
Ngoài ra, bộ sưu tập còn có nhiều đồ trang sức như: nhẫn, khuyên tai và sợi dây vàng có trọng lượng 16 chỉ, 8 phân, 51 ly có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên.
Bộ sưu tập vàng có giá trị khoa học và văn hóa nghệ thuật cao, là hiện vật gốc tiêu biểu, độc bản. Bộ sưu tập hiện vật vàng được xác lập kỷ lục có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo quản gìn giữ và phát huy giá trị bộ sưu tập phục vụ nghiên cứu khoa học, nghệ thuật chạm khắc, tín ngưỡng tôn giáo.
Ông Nguyễn Minh Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết, Bảo tàng đã sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày giới thiệu Di sản văn hóa của tỉnh Đồng Tháp nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 1 di tích Quốc gia đặc biệt; 16 di tích Quốc gia và 70 di tích cấp tỉnh. "Đờn ca tài tử Nam bộ" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề dệt chiếu Định An, Định Yên, huyện Lấp Vò; nghề đóng xuồng ghe Long Hậu, huyện Lai Vung và Hò Đồng Tháp, đang được tỉnh bảo tồn và phát huy giá trị.
Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp còn tiếp nhận hiện vật do Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn ở phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, trao tặng.
Bộ sưu tập với 535 hiện vật, cổ vật gồm: trang sức, tiền cổ, đồ gốm, đồ đá... thuộc các nền văn hóa: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chăm, Mạ... có niên đại từ trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XX.
Đây là những cổ vật, hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, phản ánh sinh động quá trình lao động, sản xuất, sáng tạo của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử, qua đó góp phần làm phong phú kho tư liệu, hiện vật, cổ vật của đơn vị.
Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp không ngừng nghiên cứu, sưu tầm thêm hiện vật, di vật, cổ vật, tư liệu, hình ảnh độc đáo và quý hiếm về lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp trong cuộc sống, sinh hoạt, cũng như trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước.
Để phát huy giá trị vốn di sản quý báu đó, Bảo tàng tổ chức giới thiệu, trưng bày, triển lãm và đã đón tiếp hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập; thực hiện nhiều cuộc triển lãm chuyên đề phục vụ công chúng...
Ông Nguyễn Minh Phước cho biết thêm, Bảo tàng tỉnh sẽ lập Dự án đầu tư đổi mới trưng bày theo Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện trưng bày hiện đại, nghệ thuật và sống động, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Trong đó, Bảo tàng hướng đến mục tiêu chung là thể hiện cốt lõi ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật (vật thể, phi vật thể); giới thiệu đến công chúng và du khách bản sắc riêng của văn hóa Đồng Tháp...