Theo cập nhật mới nhất của Dân Việt, giá xăng dầu hôm nay 1/4 trên thế giới tại thời điểm 7h00 phút (giờ Việt Nam), cụ thể như sau:
Giá dầu thô WTI tăng lên 83,244 USD/thùng, tương đương tăng 0,15%; giá dầu Brent giảm nhẹ về 86,950 USD/thùng, tương đương giảm 0,03% so với phiên giao dịch trước đó. Nếu so với tháng trước, giá dầu thô tăng 5,21%, dầu Brent tăng 5,20%.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh liên minh OPEC+ đang nỗ lực hạn chế nguồn cung, cũng như những rủi ro chính trị dai dẳng ở Đông Âu và Trung Đông.
Vào đầu tháng 3, OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối quý hai và dự kiến sẽ duy trì chính sách sản lượng hiện tại khi nhóm họp vào tuần tới.
Giá dầu gần đây cũng chịu ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga, ảnh hưởng đến hơn 10% công suất chế biến dầu của nước này.
Tại Trung Đông, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ rằng, sẽ chấm dứt các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ vốn làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế.
Vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng, hiện tại giá xăng cụ thể như sau:
Loại nhiên liệu | Giá cũ (đồng/Lít) | Giá mới (đồng/Lít) |
---|---|---|
RON E5 92 | 23.210 | 23.625 |
RON 95 | 24.280 | 24.816 |
Dầu diesel | 221.010 | 20.693 |
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã có 9 lần điều chỉnh tăng và 5 lần giảm.
Ở lần điều chỉnh này, Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quyết định không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá.
Thời gian qua, nhiều chỉ đạo nóng liên quan đến thị trường xăng dầu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg các bộ, ban ngành địa phương cơ quan vào cuộc để chấn chỉnh, quản lý thị trường xăng dầu khi vẫn còn hiện trạng hơn 1.200 đại lý xăng dầu vẫn "chây ỳ" xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan công an vào cuộc, xử nghiêm đại lý bán lẻ xăng dầu không hoặc cố tình không lập hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng, kết nối với cơ quan thuế.
Trước đó, ngày 24/3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thông tin, tính đến hết ngày 24/3, cả nước có hơn 14.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, ước đạt hơn 92%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1.200 đại lý xăng dầu (chiếm 7,8%) chưa thực hiện quy định phát hành hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng dù trước đó nhiều lần Thủ tướng Bộ Công Thương yêu cầu trong tháng 3/2024, nếu cửa hàng xăng dầu không thực hiện xuất hóa đơn điện tử, sẽ bị rút giấy phép.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex cho biết, đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu theo quy định tại Khoản 27, Điều 1, Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01.11.2021 của Chính phủ (Petrolimex gọi tắt là "Vùng 2"); Tổng Giám đốc Petrolimex trao quyền Giám đốc các Công ty xăng dầu thành viên Petrolimex trực tiếp quyết định giá bán thực tế tại địa bàn tổ chức kinh doanh nhưng không được vượt mức giá vùng 2 nêu trên.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này thực hiện theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2023 đến hết ngày 31.12.2023 và xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17.11.2023 của Chính phủ (Nghị định 80) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; theo các văn bản hướng dẫn thi hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Các đơn vị thành viên Petrolimex khi ban hành quyết định giá bán lẻ xăng dầu trên hệ thống phân phối của mình phải gửi Quyết định giá đã ban hành về Sở Công Thương tỉnh/thành phố và Tập đoàn để báo cáo.