Trên các diễn đàn không ít công chức, viên chức so bì tiền lương của mình còn thấp hơn cả tiền lương của công nhân ở công ty thuộc các khu công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tiền lương của nhiều cán bộ công chức có thể thấp hơn nhưng thu nhập lại cao hơn công nhân.
Có thể kể lại câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tiến, (42 tuổi) công chức ngành văn hóa tại một huyện ở Hà Nam. Anh Tiến cho biết, 5 năm đầu tiên khi mới trúng công chức, mức lương của anh rất thấp chỉ hơn 2 triệu đồng. Mặc dù ở quê, làm thêm đồng áng, trồng thêm vài cây rau, nuôi vài con gà tăng gia nhưng vẫn không đủ sống vì chi tiêu ngoài quá nhiều.
Riêng tiền đình đám, tiền tiệc tùng đã vài ba triệu. Khoản tiền lương vẫn không đủ, anh toàn vay mượn thiếu trước hụt sau. 5 năm sau ngày vào công chức anh Tiến có kinh nghiệm làm việc, cộng thêm những mối quan hệ anh có, anh vay mượn cắm sổ nhà đầu tư đất đai. Kết quả, mỗi lô đất cũng lãi được vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng.
"Nếu chỉ chờ vào khoản tiền lương hiện giờ gần 8 triệu đồng thì cả nhà tôi khó mà trụ được. Đói đầu gối phải bò, tôi thì thi thoảng lướt đất, vợ thì bán hàng online. Cũng may sau chục năm tích cóp vợ chồng tôi đã mua được đất, xây được nhà", anh Tiến chia sẻ.
Chục năm mới mua được cái nhà có vẻ là dài với anh Tiến, nhưng thực chất vẫn là ngắn so với quãng thời gian mà công nhân phấn đấu để có thể mua được nhà.
Chị Nguyễn Thị Vi (Quê Nam ĐỊnh), công nhân Công ty May Canon chia sẻ: "Vợ chồng tôi cũng khát khao có một cái nhà để ở, nhưng khó lắm. Nhà ở xã hội ở đây giờ cũng phải hơn 1 tỷ mới mua được căn bé 50-60m2. Trong khi đó, thu nhập của cả 2 vợ chồng cũng chỉ được vỏn vẹn 15 triệu đồng. Khoản tiền ấy phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ, làm gì có tích cóp để mua nhà".
Theo quan sát của PV, dù tiền lương của khu vực tư chạy nhanh hơn tiền lương của khu vực tư, nhưng cũng chỉ có một bộ phận lao động làm công ty tư nhân (chủ yếu là lao động có trình độ kỹ thuật, chuyên môn) là có tiền lương cao, và thu nhập tăng thêm. Số còn lại, những công nhân, hay lao động trực tiếp đa phần đều có mức thu nhập khá thấp.
Thực tế hiện nay Việt Nam có nhiều chương trình hướng tới xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, số lượng người tiếp cận được không nhiều.
"Hiện cả nước có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở".
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi) ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Chồng tôi là lao động tự do thu nhập không ổn định, tôi lại là nhân viên văn phòng. Nhiều lần nộp đơn mua nhà ở xã hội nhưng không đủ điều kiện, không đủ giấy tờ để mua".
Trong khi đó, theo chị Hiền, quan sát xung quanh có khá nhiều người được "tạo điều kiện" để mua nhà ở xã hội. Mua xong lại bán qua tay, dù không thể sang tên.
Khảo sát ở 16 tỉnh thành của Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vào cuối năm 2023 cho thấy có tới 90% công nhân ngoại tỉnh phải đi thuê trọ, sống trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp không đảm bảo. Có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống. Chỉ có 10% công nhân, lao động ngoại tỉnh ở các khu công nghiệp đang sở hữu nhà ở.
Ông Lê Đình Quản - Phó trưởng Ban chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng nếu nhìn bình diện chung thì đúng là tốc độ tăng lương ở khu vực tư nhanh hơn ở khu vực công. Nhưng nếu xét về tổng thu nhập thì công nhân, lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp (chủ yếu khu công nghiệp) có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác.
"Công chức, viên chức hay nhân viên văn phòng là đối tượng lao động đặc biệt, có trình độ, tay nghề cao bởi vậy thu nhập cao hơn và cũng có nhiều cơ hội để kiếm tiền, làm thêm ngoài. Điều này dẫn tới cơ hội sở hữu nhà ở của nhóm này cũng cao hơn".
Năm 2017, Tổng LĐLĐ đã đề xuất Đề án thiết chế công đoàn trong đó có xây dựng các nhà ở xã hội cho công nhân hiện đang vướng về Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Tổng Liên đoàn lao động cũng đã có đề xuất để tháo gỡ khó khăn này, trong đó có việc giao cho Tổng Liên đoàn lao động xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động.
Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn Tổng LĐLĐVN - Tổng LĐLĐVN cho biết: "Nếu các vướng mắc về chính sách được tháo gỡ thì việc xây dựng hồ sơ dự án, thủ tục sẽ mất khoảng 2-3 năm và quá trình thi công xây dựng chỉ trong 1 năm là hoàn thành. Hiện nay, mới có Hà Nam xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân lao động với 244 căn và Tiền Giang mới xây dựng khu sinh hoạt văn hoá cộng đồng".