Cải cách tiền lương: "Ai nói công chức việc nhẹ lương cao, hãy xin vào làm!"

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 29/03/2024 09:06 AM (GMT+7)
Sau khi báo Dân Việt có bài viết: "Cải cách tiền lương: Công chức, viên chức đang bị so bì 'việc nhẹ lương cao' ", nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn. Có công chức còn cho biết sẵn sàng nhường việc đang được "tiếng thơm" này...
Bình luận 0

Cải cách tiền lương:"Ai nói công chức, viên chức, việc nhẹ lương cao, hãy xin vào làm!"

Tuy là công chức, làm việc ở khu vực công, thừa hành nhiệm vụ nhà nước, nhưng từ lâu nền tiền lương của công chức, viên chức ở khu vực công rất thấp, thấp hơn cả khu vực tư. Vị thế tiền lương thấp nên chưa tạo động lực cho sự phát triển. Những cũng ít ý kiến cho rằng, một bộ phận đông công chức đang làm ít hưởng thì nhiều. PV Báo Dân Việt đã ghi nhận một vài ý kiến của công chức về vấn đề này.

Chị Nguyễn Thị Thủy, 35 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội – công chức cấp Bộ cho biết: “Tôi đi làm đã được 12 năm nhưng tiền lương hiện chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Không biết ai làm nhẹ, lương ai cao nhưng công việc của tôi ngập đầu, ngập cổ, ngày nào tới cơ quan cũng đọc, soạn văn bản đến mờ cả mắt. Tiền lương thì chưa đủ nuôi bản thân và nuôi con. 2 vợ chồng làm công chức mà vẫn phải ở nhà tập thể. Ai nói công chức việc nhẹ lương cao tới đây, tôi xin nhường việc luôn”, chị Thủy chia sẻ.

cải cách tiền lương

Nhiều công chức bị qúa tải công việc, nhưng mức lương vẫn chưa đủ nuôi sống bản thân. Ảnh: Tú Anh

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hiện nay công chức, viên chức đang chịu rất nhiều áp lực. Bản thân chị là viên chức trong ngành giáo dục, cô giáo dạy lớp 1. Công việc rất áp lực. Vừa phải giảng bài, vừa quản lý học sinh ăn ngủ. Chưa kể tối đến còn phải soạn bài, tham gia các chương trình thi giáo viên giỏi...

"Tiền lương thấp, tổng thu nhập chưa tới 10 triệu đồng tháng, nếu không dạy thêm thì không đủ tiền để sống được ở thành phố đắt đỏ này. Nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực lắm, chỉ muốn bỏ nghề. Bỏ nghề thì chưa biết xin việc gì", chị Mai ngậm ngùi chia sẻ.

Dự kiến, mức lương của công chức, viên chức sau cải cách tiền lương sẽ tăng khá cao so với hiện nay. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương của nhóm này trung bình tăng hơn 32% (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng).

Khổ nhất vẫn là công chức trẻ, tiền lương chỉ 4-5 triệu đồng, lương không đủ sống nói gì tới việc nuôi con. Bởi vậy, nhiều người phải lựa chọn giải pháp "chân trong chân ngoài" để có thêm thu nhập. Nhiều công chức đang đặt hy vọng vào đợt cải cách tiền lương sắp tới. 

Cải cách tiền lương: Chuyên gia nói gì về việc “công chức việc nhẹ lương cao”?

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho rằng: "Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nếu cứ so sánh tiền lương công chức và công nhân như vậy thì không thể xây dựng được chính sách tiền lương. Chúng ta đang trong lộ trình cải cách tiền lương xây dựng tiền lương ở cả khu vực công và khu vực tư. Cần đảm bảo để tiền lương được xây dựng trong mối tương quan, công bằng nhất định.

Đương nhiên, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tăng lương cho công chức, thì công chức ấy phải đảm bảo năng suất hiệu quả làm việc. Các cơ quan quản lý cũng đã xây dựng các cơ chế đánh giá công chức trong việc thừa hành công vụ. Như vậy, có nghĩa là để thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện, hiệu quả cần một hệ thống các giải pháp khác nhau. Chỉ có như vậy mới đảm bảo sự công bằng khi thực hiện chính sách tiền lương, nhằm đảm bảo tiền lương khu vực công và khu vực tư trong mối tương quan nhất định.

cải cách tiền lương

Bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng mọi sự so sánh tiền lương đều là khập khiễng. Ảnh: N.T

Sẽ không có chuyện công chức, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" bởi lẽ mỗi công chức sẽ chịu sự ràng buộc các tiêu chuẩn điều kiện, đánh giá khắt khe. Và tiền lương cũng được trả dựa trên vị trí việc làm đó.

Bà Ngân lấy ví dụ: Một sinh viên tốt nghiệp ĐH vào làm công ty, nhận lương thử việc khởi điểm chỉ là 80% mức lương (hệ số 2,34) thì chưa tới 3 triệu đồng. Nhưng một anh công nhân có thâm niên đi làm lâu năm lương có thể hơn 10 triệu đồng. Đây không phải là không công bằng. Tuy anh có bằng đại học, nhưng chưa có thâm niên, kinh nghiệm công tác, vị trí làm việc cũng khác nhau. Vì vậy, tiền lương khác nhau là phù hợp.

"Mỗi người một vị trí, một công việc, theo tôi không nên so sánh quá nhiều tiền lương. Trình độ năng lực, vị trí việc làm sẽ quyết định mức thu nhập mà người ấy được hưởng", bà Ngân nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem