Ông Thanh khẳng định: "Chúng ta phải hết sức rõ ràng trong vấn đề này, muốn sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa thì dứt khoát phải có quy trình công nghệ nên người dân tuyệt đối không nên tin vào việc dùng tâm linh có thể thay thế được quy trình công nghệ, thay thế được vật tư nông nghiệp đầu vào trong sản xuất".
Phải áp dụng quy trình công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Nhận được phản ánh của Dân Việt về việc nông dân ở Yên Khánh (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định) canh tác lúa theo phương pháp mới, có thầy giúp xua đuổi chuột, ốc bươu vàng, sâu bệnh... bằng "năng lượng phi vật chất", ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho hay: Hiện nay, đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, chúng ta có rất nhiều quy trình công nghệ. Theo đó, tất cả các quy trình công nghệ này đều phải xuất phát từ nghiên cứu cũng như đúc rút từ thực tiễn.
"Tất cả các quy trình công nghệ đều có được từ các vật tư đầu vào, từ quy trình chăm sóc rồi mới ra sản phẩm. Chúng ta phải xác định đó là quy luật vật chất, quy trình như thế nào thì sẽ cho ra sản phẩm như thế, mà muốn có sản phẩm tốt thì chúng ta phải có vật tư đầu vào.
Đối với việc có người cho rằng có thể dùng "tâm linh" hay yếu tố phi vật chất nào đó mà có thể thay thế được vật tư đầu vào trong sản xuất lúa gạo thì khoa học chưa một ai có thể chứng minh được điều đó. Bộ NNPTNT cũng chưa có một quy trình nào công nhận về điều đó, với kinh nghiệm làm nghề của chúng tôi cũng chưa thấy quy trình nào có thể dùng những yếu tố không được kiểm chứng có thể thay thế được vật tư nông nghiệp đầu vào", ông Thanh khẳng định.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết thêm, chúng ta phải hết sức rõ ràng trong vấn đề này, muốn sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa thì dứt khoát phải có quy trình công nghệ.
Ông Thanh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên tin vào việc dùng tâm linh có thể thay thế được quy trình công nghệ, thay thế được vật tư nông nghiệp đầu vào trong sản xuất. Không có một quy trình nào mà không phải dựa vào độ phì nhiêu của đất, các yếu tố về mặt vật chất mà có thể hình thành ra được sản phẩm, không thể có biện pháp tâm linh nào đó mà có thể tạo ra được sản phẩm mà không cần vật tư nông nghiệp.
"Tôi cũng khẳng định là không thể có biện pháp tâm linh nào có thể phòng trừ được chuột, sâu bệnh, diệt ốc bươu vàng mà chúng ta vẫn phải dùng các biện pháp như dùng chế phẩm sinh học thay thế cho thuốc hóa học độc hại cho môi trường để diệt các loài thiên địch gây gại cho cây trồng", ông Thanh nói thêm.
Là cơ quan được Bộ NNPTNT giao tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định: Trong thời gian tới, khuyến nông sẽ vào cuộc đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh có thêm các thông tin về hoạt động sản xuất lệch chuẩn này và chúng tôi sẽ có kiến nghị đến Cục Trồng trọt cũng như Bộ phải có những biện pháp xử lý kịp thời.
Nông dân không nên nghe theo các thông tin tuyên truyền không có cơ sở khoa học
Khi được phóng viên đề cập đến việc nông dân ở Yên Khánh (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định) canh tác lúa theo phương pháp mới, có thầy giúp xua đuổi chuột, ốc bươu vàng, sâu bệnh... bằng "năng lượng phi vật chất", Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) Bùi Xuân Phong cho rằng: Việc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng bằng năng lượng tâm linh hoàn toàn không có cơ sở khoa học, Cục BVTV khuyến cáo bà con không nên nghe theo các thông tin tuyên truyền không có cơ sở khoa học như vậy.
"Mọi phương pháp, biện pháp phòng chống sâu bệnh hại cây trồng đều được các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm từ trong phòng thí nghiệm, ra ngoài đồng ruộng từ diện hẹp nhiều lần nhắc lại đến diện rộng và ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, khi thành công mới đưa vào áp dụng trong sản xuất. Ngoài ra có nhiều biện pháp do nông dân sáng tạo ra, sau đó các nhà khoa học hoặc cán bộ kỹ thuật thử nghiệm, đánh giá theo phương pháp khoa học có hiệu quả mới khuyến cáo rộng rãi", ông Phong khẳng định.
Đối với công tác phòng chống sinh vật gây hại (SVGH), ông Phong cho hay: Về nguyên tắc phòng chống SVGH, từ năm 1992 chúng ta đã được FAO hỗ trợ triển khai chương trình IPM, là biện pháp quản lý SVGH tổng hợp, gồm biện pháp canh tác (điều khiển mùa vụ; luân canh, xen canh; chọn giống kháng, trồng giống khỏe, sạch bệnh; chọn đất và làm đất sao cho có thể hạn chế SVGH; vệ sinh đồng ruộng; trồng hoa để bảo tồn thiên địch, …), biện pháp KDTV, biện pháp sinh học, cuối cùng mới là biện pháp hóa học khi các biện pháp trên không thể khống chế được SVGH.
Đối với chuột, hiệu quả nhất là dùng bẫy cây trồng (BTS). Những nơi nào có chuột thường gây hại hay gần nguồn chuột sinh sống sẽ cho gieo cấy trước 7-10 ngày, lúa tốt sớm hơn sẽ dẫn dụ chuột vào đó gây hại đầu tiên.
Những ruộng này được đặt rào chắn nylon, bố trí những bẫy lồng đón chuột đi ven theo hàng rào. Làm như thế sẽ chủ động bắt chuột sớm ngay từ nguồn ban đầu. Tuy nhiên với biện pháp này thì một hộ nông dân không thể tiến hành được mà cần có sự tổ chức, thống nhất của các chủ ruộng trên cùng cánh đồng.
Đối với ốc bươu vàng cần thu gom ốc trên ruộng trước khi gieo cấy; diệt ốc tồn tại ở mương máng; thu gom trứng ốc tiêu hủy rất dễ dàng. Chỉ những ruộng sắp gieo cấy mà nhiều ốc nhỏ mới nên xử lý thuốc BVTV do ốc nhỏ rất khó thu gom. Phòng trừ chuột và ốc bươu vàng phải thường xuyên, liên tục và diện rộng.
Khi được phóng viên cung cấp thông tin nông dân tại Yên Khánh (Ninh Bình) dùng thuốc tàu, bẫy điện để diệt chuột, ông Phong khẳng định: Việc dùng thuốc tàu, bẫy điện diệt chuột là hành vi bị nghiêm cấm.
"Riêng trường hợp sử dụng điện để bẫy chuột rất nguy hiểm đến tính mạng con người nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải kiểm tra, nếu phát hiện cần xử lý, tháo gỡ và xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật", ông Phong khuyến cáo.
Chia sẻ thêm về công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, đại diện Cục BVTV cho hay: Hàng năm, hàng vụ, Cục BVTV đều chỉ đạo các Trung tâm BVTV vùng phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo SVGH trên lúa để hướng dẫn nông dân phòng chống kịp thời để bảo vệ sản xuất an toàn.
SVGH lúa nói riêng, cây trồng nói chung thường thay đổi diễn biến theo điều kiện thời tiết, đặc biệt là thời tiết bất thuận như mưa bão, độ ẩm cao kéo dài nên công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo ở địa phương (nhất là BVTV cấp huyện) rất cần được củng cố và hoạt động có chất lượng, hiệu quả.
Cũng theo ông Phong, Cục BVTV thường xuyên có chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng chống SVGH. Theo đó, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo SVGH lúa để để hướng dẫn nông dân phòng chống kịp thời.
"Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh với mật độ hàng trăm con/m2 trên diện rộng, nhất là các tỉnh ven biển vùng đồng bằng Sông Hồng, các Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã tham mưu cho Sở NNPTNT, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Kết quả là nông dân đã chủ động phòng trừ sâu trong suốt mấy ngày nghỉ lễ.
Cán bộ ngành BVTV cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc ở những vùng có mật độ sau cao. Nói như vậy để thấy rằng để bảo vệ sản xuất, nhất là khi dịch bệnh bùng phát thì phải kiểm tra xem sâu bệnh trên ruộng của mình có nhiều hay ít? Có phải sử dụng thuốc BVTV hay chưa? Phun vào lúc nào? Tất cả đều dựa vào cơ sở khoa học để điều tra, dự tính dự báo và đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp sao cho hiệu quả phòng trừ cao, có hiệu quả kinh tế và còn phải bảo vệ môi trường nữa.
Từ nay đến cuối vụ lúa ở ĐBSH các tỉnh còn cần phải theo dõi, phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông sau trỗ, bệnh bạc lá, và nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng", ông Phong khuyến cáo thêm.
Còn nữa