Dân Việt

"Kho báu" 70 triệu tấn carbon chìm sâu trong các khu rừng ở Việt Nam đang chờ được đánh thức

Khánh Nguyên 08/04/2024 09:15 GMT+7
Theo các chuyên gia, rừng của Việt Nam có tiềm năng rất lớn huy động được nguồn tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện. Hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn.

Dẫn thông tin từ Viện Thị trường carbon, TS Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends cho biết, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương và các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu. Quá trình vận hành của các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trong năm 2022. 

Các cơ chế trong thị trường carbon bắt buộc chiếm vai trò chủ đạo, với khoảng 98% tổng nguồn thu được tạo ra từ các cơ chế này (2% còn lại là từ các cơ chế của thị trường tự nguyện).

Con số thống kê của Chương trình Ecosystem Marketplace của Forest Trends cho thấy, giai đoạn 2021-2023 có 1.530 dự án carbon giao dịch theo cơ chế của thị trường tự nguyện tại 98 quốc gia khác nhau. Lượng carbon giao dịch khoảng 254 triệu tấn với kim ngạch khoảng gần 1,9 tỷ USD. Giá carbon tăng mạnh (82%) từ mức 4,04 USD/tấn lên 7,37 USD/tấn năm 2022. Thống kê của Ecosystem Marketplace cho thấy giá năm 2023 giảm so với 2022, ở mức 6,97 USD/tấn.

Tại Việt Nam, đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB). Đồng thời, Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.

Hiện đã phân bổ 80% số tiền 1.200 tỷ đồng nói trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và sau 1-2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền cho địa phương. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích và đang tổ chức tập huấn để phân bổ cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn thu này. Đối tượng được hưởng lợi chính là các cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân giữ rừng…

"Kho báu" 70 triệu tấn carbon chìm sâu trong các khu rừng ở Việt Nam đang chờ được đánh thức- Ảnh 1.

Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương trên đường tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: V.C.P

Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.

Theo Cục Lâm nghiệp, thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng Thế giới với tư cách là Bên được ủy thác của Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) nhằm chuyển nhượng lượng GPT 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024, với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD.

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả giảm phát thải kỳ 1 (giai đoạn 2018-2019) đã được WB xác nhận, kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ đạt 16,21 triệu tấn CO2. Việt Nam hoàn thành chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB và đã tiếp nhận 51,5 triệu USD. "Đối với 5,91 triệu tấn CO2 còn dư, WB đã đồng ý mua bổ sung 1 triệu tấn CO2. Lượng tín chỉ còn dư 4,91 triệu tấn, Bộ NNPTNT đã báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định, đồng thời tiếp tục phối hợp với WB để đo đếm, xác nhận lượng tín chỉ giai đoạn 2 (2020-2022); giai đoạn 3 (2023-2024), tìm kiếm các đối tác có nhu cầu tiếp nhận để tiến hành đàm phán chuyển nhượng, đảm bảo quyền lợi của quốc gia và huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ" - ông Bảo thông tin thêm.

Ngoài ERPA Bắc Trung Bộ được ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ NNPTNT và WB, ngày 31/10/2021, tại COP26, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ký kết Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF).

Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 (ERPA Nam Trung Bộ và Tây Nguyên). LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2, với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.

Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký chí cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES, đồng thời đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo cáo Thủ tưởng xem xét quyết định.

Theo TS.Tô Xuân Phúc, với tổng diện tích 14,7 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng. Một số tính toán cho thấy mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Chính phủ Việt Nam đang tham gia thị trường carbon bắt buộc, với ERPA Bắc Trung Bộ và ERPA Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

"Rừng của Việt Nam cũng có tiềm năng huy động được nguồn tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện. Hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn. Do vậy, Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, nhằm kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, nhằm đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện", ông Phúc nói.