Việt Nam lọt top 15 quốc gia có tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng, có thể bán 40 triệu tín chỉ, thu 5.000 tỷ
Việt Nam lọt top 15 quốc gia có tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng, có thể bán 40 triệu tín chỉ, thu 5.000 tỷ
P.V
Thứ tư, ngày 28/02/2024 08:59 AM (GMT+7)
Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Trong số 60 quốc gia có khả năng bán "mặt hàng" này, Việt Nam đã lọt vào vị trí thứ 15.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị, sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những thành quả mà ngành lâm nghiệp đã làm được rất to lớn.
Tính hiệu quả của chiến lược thể hiện ở những con số: Tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%; giá trị sản xuất tăng ổn định ở mức 4,6%, có năm cao hơn 6%; kim ngạch xuất khẩu liên tục lập kỷ lục, trong đó năm 2022 đạt 17,1 tỉ USD; thu dịch vụ môi trường rừng gần 11.000 tỉ đồng và xuất siêu gần 40 tỉ USD trong 3 năm gần nhất.
"Lâm nghiệp đóng góp 30% vào giá trị sản xuất chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đó là nguồn động viên lớn với những người làm nghề rừng và 3,6 triệu ha rừng sản xuất", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, một điểm sáng của ngành lâm nghiệp là năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Trong số 60 quốc gia có khả năng bán "mặt hàng" này, Việt Nam đã lọt top 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành lâm nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có khi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến ngành lâm nghiệp, thể hiện qua một loạt nghị quyết, chỉ thị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ ban hành.
Vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Tất cả thôi thúc những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp phải tiếp tục đổi mới, tìm tòi để phát huy hơn nữa giá trị của rừng, mang lại sinh kế ổn định hơn cho người dân.
Ở cấp Trung ương, Bộ NNPTNT đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp cho năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và các thông tư hướng dẫn địa phương đáp ứng Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ các công ty nông lâm trường chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp.
Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, tính toán từ Cục Lâm nghiệp cho thấy, Việt Nam còn có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ như hiện nay, ngành lâm nghiệp có thể thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỉ đồng. Đó là một con số lớn, tương đương với nguồn đầu tư công hàng năm.
"Vấn đề là chúng ta quản lý, duy trì và phát triển nguồn "ngân sách" này như thế nào, nhất là trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị luôn chực chờ. Cuộc sống của những người trồng rừng, giữ rừng chưa được đảm bảo", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị các bên chủ động, linh hoạt, quyết liệt vào cuộc để tăng nguồn thu đầu tư cho lâm nghiệp, không thể "ngồi im chờ ngân sách".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.