Dân Việt

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các luật sư đưa nhiều lập luận bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan

Ngọc Linh 03/04/2024 18:25 GMT+7
Chiều 3/4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát với nội dung tranh luận đối đáp của luật sư, bị cáo và VSK. Các luật sư đưa nhiều lập luận "cứu" bà Trương Mỹ Lan khi cho rằng thân chủ bị quy kết tội quá nặng.

Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Trương Minh Đức cho biết, ông đã chịu sức ép rất lớn khi thân chủ là bà Lan không thừa nhận cáo trạng nhưng bị luận án tử hình. 

Vị luật sư này cũng đặt câu hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tội đưa hối lộ và tham ô, nhưng khi nào và phương thức nào? Bị cáo Trương Mỹ Lan có chiếm đoạt tài sản không và thực sự con số chiếm đoạt có lên đến mấy trăm nghìn tỷ? Bởi việc mua bán nợ không phải để thu tiền về túi riêng bị cáo Lan mà để xử lý nợ xấu giúp ngân hàng.

Theo luật sư của ngân hàng SCB, tất cả các thiết chế SCB đều vi phạm, điều này không đúng. Kiểm soát và điều hành mọi quy trình cho vay không đúng đối tượng, không nguyên tắc, không đúng mục đích, không kiểm tra vốn vay,… khi xảy ra vụ án mới truy, điều này không thể khẳng định ngân hàng không có lỗi.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các luật sư đưa nhiều lập luận bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Các luật sư chuẩn bị tài liệu biện hộ cho các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: Lê Giang.

Trong khi đó, bào chữa bổ sung cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng cần có cách tiếp cận phù hợp để nhận định, tách vai trò của bà Trương Mỹ Lan trong vụ án. Luật sư này cho biết bà Lan không có chức vụ, không có trách nhiệm và quyền hạn để chi phối SCB, biến SCB thành công cụ rút tiền phục vụ mục đích của mình.

Theo ông Thiệp, không phải ai muốn vào bộ máy quản lý ngân hàng đều vào được bởi có nhiều vòng kiểm soát và quy trình cụ thể. Rất khó để tự bố trí người vào các chức vụ quan trọng của ngân hàng. Nội dung này có thể cho thấy bà Lan khó có thể dùng quyền lực của mình để áp đặt lên SCB. 

"Việc đưa ra suy đoán tất cả cán bộ chủ chốt SCB làm thuê cho bà Trương Mỹ Lan và bà Lan trả lương cho các nhân sự này là thiếu căn cứ. Không có bằng chứng nào cho thấy bà Lan trả lương cho các nhân sự của SCB", ông Thiệp nêu.

Bên cạnh đó, ông Thiệp cho rằng luận cứ việc bà Lan sở hữu hơn 91% cổ phần nên có thể chi phối hoạt động SCB. Qua đó bà Lan sử dụng đại hội cổ động để thực hiện ý đồ của mình… Điều này không có căn cứ khi các biên bản đại hội cổ đông phê duyệt các khoản vay của ngân hàng. Việc sở hữu phần lớn cổ phần chỉ thể hiện trong phiếu biểu quyết của đại hội cổ đông. Nên bà Lan không phải chủ thể tham ô.

Cũng theo luật sư này, về tội đưa hối lộ của bà Trương Mỹ Lan đề nghị có bằng chứng cụ thể việc bà Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền cho bà Đỗ Thị Nhàn. Không có chứng cứ nào đủ cơ sở dựa trên lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn. Đề nghị HĐXX đánh giá khách quan lời khai của Văn.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các luật sư đưa nhiều lập luận bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 3.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chuẩn bị tài liệu để tự bào chữa cho mình. Ảnh: Lê Giang.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng mình rất sốc khi bị quy kết chiếm đoạt hơn 330.000 tỷ. Theo bà Lan, các khoản nợ của các cá nhân, pháp nhân tại SCB, ví dụ như: Bà Thảo Công ty An Phú nợ 15.000 tỷ đồng; Công ty BMC nợ 15.000 tỷ đồng; 30.000 tỷ đồng Phương Trang trả tiền Tân Cường Thành; Tập đoàn Novaland nợ 27.000 tỷ đồng,... nằm trong danh sách 1.284 khoản vay theo cáo trạng. Đại diện VKS chưa xem xét và trừ đi giá trị tài sản mới gồm 3 tòa nhà ở Ba Son và tài sản 87 Cống Quỳnh quận 1 được đưa vào SCB tháng 9/2022 nhằm đảm bảo cho các khoản nợ tái cơ cấu là 60.000 tỷ đồng.

"Sáng nay VKS nói chỉ 60 tài sản của tôi có từ trước 2012, còn lại 94,8% tải sản hình thành do phạm tội từ SCB mà có. Điều này không thuyết phục khi chưa xem xét hết các tài sản theo pháp lý tôi và luật sư cung cấp. Xin HĐXX làm rõ vì liên quan đến tính mạng con người", bị cáo Trương Mỹ Lan biện hộ.