Dân Việt

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham

Hoàng Mỹ 05/04/2024 13:39 GMT+7
Trưa nắng gắt, Tám Hổ (ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) giong chiếc ghe bầu ra cặp bãi bồi sông Vàm Nao đánh lưới bắt cá cơm sông (cá mờm, cá cơm mờm).

Từ bao đời nay, dòng Mekong luôn hào phóng, ban tặng nguồn lợi thủy sản phong phú nuôi sống biết bao phận đời xuôi ngược theo con nước lớn ròng.

Canh theo con nước bắt cá cơm sông

Mùa này, dòng nước Mekong trong xanh, lục bình chầm chậm trôi về vô định. Theo đó, đàn cá cơm tìm sinh vật phù du ăn, rồi sinh sản mạnh trong tự nhiên. 

Tận dụng nguồn lợi thủy sản “trời ban”, bà con tranh thủ mang mành lưới ra sông bao quanh thu hoạch cá. 

Những ngư phủ kỳ cựu bật mí, phải đợi lúc con nước trên sông vừa rúng ròng thấy bãi bồi nhô lên chính là thời điểm đánh bắt cá cơm rất nhiều. 

Bởi, lúc này đàn cá tập trung quanh bãi bồi tìm nguồn thức ăn.

Thật lạ, thiên nhiên với biết bao điều kỳ thú, chưa ai giải thích được. 

Mùa nước nổi, cá linh sinh sản đầy sông, ăn không hết. Mùa cạn, cá cơm trôi dạt kẹo nẹo theo bãi bồi. 

Đến hẹn lại lên, vào các tháng mùa khô là lúc bà con chộn rộn khai thác cá cơm, cá mồm đem bán khắp xóm. 

Ngày trước, ở quê, cứ mỗi chiều, bà con thấy ngư dân bưng thau cá lên rao bán rộn rã đầu trên xóm dưới. 

Cá cơm ngày trước rẻ, mỗi ký khoảng vài ngàn đồng. Người dân bu đông mua một ít về kho lạt chấm rau hoặc ăn kèm xoài bằm là trọn buổi cơm chiều vừa ngon, vừa rẻ.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 2.

Nông dân đánh bắt được những mẻ cá cơm sông (cá mờm, cá cơm mờm) đầu tiên trong năm trên dòng sông nổi tiếng An Giang-sông Vàm Nao.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 3.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 4.

Niềm vui của bà con nông dân trúng mẻ cá cơm trên sông Vàm Nao, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Khi chiếc ghe bầu vừa chạy ra khỏi ngã ba cồn Tân Trung, Tám Hổ cùng 4 anh em trên chiếc xuồng nhảy ầm xuống sông, rồi từ từ bủa lưới. 

Chiếc máy dầu nổ xịt khói đẩy ghe lừ lừ ra khơi đảo quanh 1 vòng tròn. Sau đó, 1 anh nhảy xuống sông làm nhiệm vụ bóp mí chì để tránh cá chạy ra ngoài. Chưa đầy 30 phút, giàn lưới được kéo lên, cá cơm, cá mờm li ti nhảy soi sói, trông mê mắt. Nhanh tay với lấy chiếc thau nhôm, anh Trung đưa cho Tám Hổ đổ cá cơm vào, rồi bưng lên ghe. “Chiến lợi phẩm” thu hoạch được tươi rói, ai nấy nhìn rất thích thú.

Trung cho hay, đây là lần đầu tiên anh được theo ghe đánh lưới cá cơm. 

“Trước giờ, tôi ở phố thị lo chuyện làm ăn. Hôm nay, về xứ cồn tận tay kéo lưới bắt cá cơm thật sự tuyệt vời” - anh Trung bộc bạch. 

Qua chuyến đi thực tế này, anh Trung sẽ giới thiệu hình ảnh mộc mạc chân quê đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh biết đến nghề đánh lưới cá cơm của bà con ở xứ xở Vàm Nao.

Năm nay, Tám Hổ đã ở cái tuổi “thất thập” thì cũng ngần ấy thời gian gắn bó với miệt sông nước Vàm Nao, nên ông hiểu rõ đặc tính của dòng sông, con cá nơi đây. 

Tám Hổ nói rằng, trước đây ông là ngư dân chuyên giăng lưới cá hô, cá bông lau trên khúc sông nổi tiếng này. 

Giờ đây, nguồn cá đặc sản khan hiếm nên ông chuyển sang đánh lưới cá cơm, cá mồm. Muốn khai thác cá cơm phải bắt đầu từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 5 (âm lịch) năm sau.

Thời gian này, dòng nước trong xanh, cá cơm sinh sản nhiều. Nơi nào có cá cơm nơi đó môi trường nước còn sạch. 

Từ trước đến nay, loài cá này thuộc loại bé nhất trong các loài cá, rất nhạy cảm với môi trường nước trong tự nhiên. 

Nếu nơi nào có hiện tượng ô nhiễm, loài cá này không tồn tại. Chúng chỉ chọn vùng nước sạch, chảy nhè nhẹ để tìm thức ăn và sinh sản. Hiện nay, nguồn cá cơm ở khúc sông này còn nhiều, mang lại thu nhập cho bà con thôn quê.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 6.

Một chậu cá cơm sông dân đánh bắt được trên dòng sông Vàm Nao, tỉnh An Giang.

Tám Hổ cho hay, bao đời nay, quy luật của tạo hóa vẫn vậy. Hết mùa khai thác cá linh, bà con ở đây chuẩn bị ghe, xuồng, mành lưới chuyển sang đánh bắt cá cơm. Nhờ vậy, họ có thu nhập ổn định.

Vào thời điểm này, mỗi ngày, Tám Hổ thu hoạch từ 15 - 20kg cá cơm, cá mờm, bán với giá 50.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, bỏ túi ngót nghét 500.000 đồng.

Hôm ra sông đánh bắt cá cơm cho chúng tôi thưởng thức, mặc dù giàn lưới bắt dính hơn 20kg cá cơm, nhưng Tám Hổ chỉ thu hoạch khoảng 6kg, số lượng còn lại ông thả cá ra sông để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

“Cá nhiều quá ăn không hết, do đó, tôi thả bớt về sông để chúng sinh sản, phát triển. Làm nghề bà cậu không được hủy hoại nguồn lợi thủy sản” - Tám Hổ trần tình.

Niềm vui trên sông

Mùa này, ai về thôn quê nhìn về bến sông sẽ thấy thấp thoáng những chiếc xuồng bủa lưới đánh bắt cá cơm. 

Xuôi dòng sông Hậu, người dân í ới gọi nhau ra sông đánh lưới cá cơm vui nhộn. Thỉnh thoảng, họ còn hỏi han nhau, hôm nay đánh bắt dính cá nhiều hay ít để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của nghề “hạ bạc”. 

Hầu hết, những người mưu sinh bằng nghề đánh lưới cá cơm trên sông Hậu đều có hoàn cảnh khó khăn. Không có ruộng rẫy canh tác, họ lấy sông sâu để làm kế sinh nhai cho cả gia đình.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 8.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 9.

Cận cảnh loài cá cơm sông (cá mờm, cá cơm mờm) dân đánh bắt được trên dòng sông Vàm Nao nổi tiếng ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Văn Khải chuyên sống bằng nghề đánh lưới cá cơm trên sông Hậu đã quen với cái nghề “bà cậu” này gần 20 năm nên biết rất rành về chỗ sâu cạn, chỗ có nhiều cá trên sông. Ông Khải cho hay, con nước lớn ròng thay đổi liên tục theo các tháng. 

Có lúc phải dậy sớm từ lúc gà gáy, tranh thủ ra sông kịp khai thác cá cơm cân cho bạn hàng tại các chợ. Ngày nào đánh lưới trễ quá phải đem cá bán lẻ khắp đầu trên, xóm dưới. Bởi, loài cá này khi mang lên khỏi mặt nước là chúng chết nhanh, do đó vừa bắt lên ngư dân phải bưng thau cá chạy "cúm chân" để bán cho bà con.

Chỉ tay về hạ nguồn dòng sông Hậu, ông Nguyễn Khải nói với giọng sang sảng: “Khúc sông này nhiều người giành chỗ hết rồi. Chúng tôi xem đó như “nồi cơm” của mình. Nhờ đánh lưới cá cơm để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Mỗi bãi bồi là chỗ trú ẩn của loài cá cơm. Do vậy, bà con tranh thủ khai thác trước. “Nếu hôm nào đến kéo lưới sau thì xem như đói. Bởi, ai cũng muốn bủa lưới bắt cá cơm trước sẽ dính nhiều” - ông Khải tâm sự.

Cũng là cá cơm, nhưng cá cơm dân vây bắt trên một con sông nổi tiếng An Giang lạ lắm, hễ nhìn là ham- Ảnh 11.

Theo quy luật tự nhiên, cá cơm bắt đầu xuất hiện trên sông Vàm Nao (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) từ tháng 11 kéo dài đến mùng 5/5 (âm lịch) năm sau. 

Theo ông Khải, trước đây, muốn đánh bắt được cá cơm, người đánh lưới phải bỏ tiền ra thuê bãi bồi của chủ đất. Bây giờ, cá ngày càng ít, chủ đất “buông đuôi” cho dân nghèo tự kiếm sống. “Bước vào tháng 11 (âm lịch) hàng năm, chúng tôi bắt đầu xuống đường ven. 

Sau đó, mua trái về cúng “bà cậu” với mong muốn làm ăn suông sẻ. Khi đó, mọi người cũng nổ máy dong ghe bủa mẻ lưới đầu tiên xuất hành lấy ngày. 

Cá cơm thường đi theo con nước mùng 10 hoặc ngày rằm trong tháng, nhưng phải canh theo lúc nước ròng thì cá mới gom tụ thành từng đàn. Nếu đánh vào thời điểm này sẽ trúng mánh” - ông Khải thiệt tình.

Lúc này, con nước bắt đầu quay là “đứt mặt” cá cơm, những người đánh lưới sẽ nghỉ xả hơi. Xóm cồn Phó Ba mỗi ngày có hơn 5 chiếc xuồng đi bủa lưới cá linh theo bãi bồi.

Ông Trần Văn Tài cho hay, mùa này bà con xóm cồn tranh thu khai thác cá cơm cả ngày lẫn đêm. Thông thường, bà con canh theo buổi chợ để kịp bán “chiến lợi phẩm” thu được. 

Bưng thau cá từ dưới ghe lên, chị Nguyễn Thị Như xởi lởi: “Cá cơm, cá mờm phải bán lúc còn tươi rói, người dân mới mua về chế biến. 

Loại cá này chế biến món nào cũng thơm ngon và bổ dưỡng”.

Nghề đánh lưới cá cơm được gọi là nghề hạ bạc. Năm tháng trôi qua, họ sống cùng nước, lầm lũi kéo cá trên sông, chỉ với mong ước trúng luồng cá để có thu nhập kha khá cho gia đình...