Dân Việt

Đang bán hàng triệu tấn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, doanh nghiệp làm viên nén Việt Nam tìm cách vào thị trường nội địa

K.Nguyên 06/04/2024 05:52 GMT+7
Mặc dù xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam đang có nhiều lợi thế ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, ngành sản xuất viên nén nên hướng về cả thị trường nội địa để phục vụ mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Xuất khẩu viên nén gỗ độc chiếm ở Nhật Bản, Hàn Quốc

Dù còn rất non trẻ nhưng thời gian qua, ngành viên nén Việt Nam nói chung và viên nén gỗ nói riêng phát triển rất mạnh. Khoảng 95% lượng viên nén sản xuất tại Việt Nam (tương đương trên 4 triệu tấn) được sử dụng để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Báo cáo của Tổ chức Forest Trends cho thấy, năm 2022, xuất khẩu viên nén gỗ bùng nổ với lượng xuất xấp xỉ 4,9 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 790 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2021 do giá viên nén tăng cao. Bước sang năm 2023, kim ngạch xuất khẩu viên nén giảm nhẹ, đạt hơn 4,6 triệu tấn với giá trị gần 680 triệu USD.

Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là hai thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 96% tổng lượng và 96,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn viên nén của Việt Nam, tương đương hơn 438 triệu USD (tăng 12,4% về lượng và 14,3% về giá trị so với năm 2022). Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn viên nén, trị giá gần 214 triệu USD (giảm 24,5% về lượng và 43,3% về giá trị so với năm 2022).

Đang bán hàng triệu tấn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, doanh nghiệp làm viên nén Việt Nam tìm cách vào thị trường nội địa- Ảnh 1.

Viên nén có thể được sử dụng giúp các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh. Ảnh: P.V

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Hàn Quốc có thêm các nguồn cung khác, ví dụ như nguồn cung viên nén giá rẻ từ Nga.

Theo TS. Tô Xuân Phúc, đại diện Forest Trends, thị trường Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với ngành viên nén Việt Nam trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thay thế nguồn cung viên nén từ Indonesia cho thị trường Nhật Bản bởi nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ bền vững theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Viên nén gỗ tìm về nội địa

Tại Tọa đàm: "Vai trò của viên nén trong chuyển đổi nhiên liệu nồi hơi – Hướng tới nền sản xuất phát thải thấp tại Việt Nam" do Chi hội Viên nén (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam), Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức sáng 5/4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, viên nén gỗ có cơ hội ở thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi nguồn nhiêu liệu phát thải cao như than đá, dầu sang sử dụng viên nén gỗ có mức phát thải thấp tại các cơ sở sản xuất nhỏ sử dụng hệ nồi hơi.

Đang bán hàng triệu tấn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, doanh nghiệp làm viên nén Việt Nam tìm cách vào thị trường nội địa- Ảnh 2.

Theo TS.Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, với cam kết Net-Zero của Chính phủ, dư địa cho việc sử dụng viên nén tại thị trường nội địa là rất lớn. Ảnh: P.V

Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết: Trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nồi hơi công nghiệp được sử dụng để cấp nhiệt, hơi, nước nóng cho các ngành: công nghiệp nhẹ: dệt may, giầy da, nhựa, thuốc lá, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thủy sản, chế biến nông nghiệp...; công nghiệp nặng: hóa chất cơ bản, phân bón, tuyển khoáng, thuốc trừ sâu, sản xuất đường, sản xuất cao su... Các loại nhiên liệu sử dụng cho nồi hơi là điện, dầu, khí, than, biomass (vỏ trấu, dăm gỗ, mùn cưa, viên nén gỗ…).

Hiện nay, Việt Nam chưa có một thống kê đầy đủ chính thức về số lượng nồi hơi công nghiệp. Theo thông tin từ nguồn các tổ chức kiểm định nồi hơi hàng năm và đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động, ước tính tại Việt Nam có khoảng 9.000 nồi hơi công nghiệp đang hoạt động.

Nhiều cơ sở này sử dụng nguồn than đá để vận hành hệ thống nồi hơi. Việc chuyển đổi nguồn than đầu vào của các cơ sở này sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải ở quy mô quốc gia.

Theo ông Trần Văn Lượng, cơ hội đối với doanh nghiệp chuyển đổi nồi hơi đốt than sang biomass là giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu về môi trường góp phần thực hiện cam kết của chính phủ Việt Nam; cơ hội tham gia thị trường carbon nội địa trong tương lai. Đồng thời, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh, nâng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thống kê cho thấy, khoảng 5% tổng lượng cung viên nén hiện đang được sử dụng nội địa, chủ yếu đưa vào hệ thống nồi hơi của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ trong một số lĩnh vực đề cập ở trên. Mặc dù Chính phủ chưa yêu cầu các cơ sở quy mô nhỏ này phải giảm phát thải, một số cơ sở đã tiên phong, tự nguyện thay thế một phần hoặc toàn bộ lượng than đá sử dụng cho hệ thống nồi hơi của mình sang viên nén gỗ. 

Nhiều cơ sở đã và đang thực hiện việc chuyển đổi này nằm trong chuỗi cung toàn cầu, ví dụ các nhà cung ứng cho các hãng hàng lớn như Adidas, Nike, Samsung...; một số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp nơi có các cam kết về phát thải thấp, chuyển đổi xanh...

Tuy lợi ích việc sử dụng viên nén thay than dầu đã rõ, song thách thức hiện nay đối với doanh nghiệp chuyển nồi hơi đốt sang biomass cũng không ít. Đó là doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho việc chuyển đổi; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chế tạo nồi hơi đốt biomass; năng lực thiết kế, chế tạo của nhiều nhà chế tạo nồi hơi còn hạn chế. Bên cạnh đó, là chi phí đầu tư mới cao, chi phí cho phần cải tạo và chi phí do dừng sản xuất là các doanh nghiệp cần tính đến khi thực hiện chuyển đổi.

Một trong những thách thức nữa là thị trường carbon nội địa chưa hình thành nên chưa tạo thành động lực cho doanh nghiệp.

Ông Lượng cho rằng cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người sử dụng nồi hơi của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ về kiến thức sử dụng năng lượng hiệu quả phát thải thấp, hướng tới tham gia thị trường carbon khi thị trường carbon vận hành. Cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nồi hơi đốt nhiên liệu sinh khối cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi nồi hơi đốt nhiên liệu hóa thạch sang đốt sinh khối.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ với mục tiêu mức phát thải Net-Zero vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách; trong đó có Nghị định 06/2022/NĐ-CP yêu cầu các cơ sở sản xuất có mức phát thải cao cũng như các bộ ngành phải giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ đang thiết kế các cơ chế chính sách cần thiết để xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước. Với cam kết Net-Zero của Chính phủ, dư địa cho việc sử dụng viên nén tại thị trường nội địa là rất lớn.

Nồi hơi là thiết bị dùng để sinh hơi, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu (điện, than, dầu, khí, sinh khối...) cho nước để sinh hơi thông qua việc đốt cháy nhiên liệu; tại Việt Nam thiết bị sinh hơi dùng trong công nghiệp gọi là nồi hơi công nghiệp, thiết bị sinh hơi dùng phát điện gọi là lò hơi nhà máy điện.

Căn cứ vào nhiên liệu sử dung, nồi hơi có các tên gọi là nồi hơi điện, nồi hơi đốt than, nồi hơi đốt dầu, nồi hơi đốt khí...; căn cứ vào chất lượng hơi có hơi bão hòa, hơi quá nhiệt..; căn cứ vào thông số hơi mà nồi hơi sản xuất ra phân loại là nồi hơi hạ áp, trung áp, cao áp...

Hiện tại trong sản xuất công nghiệp tại Việt nam nồi hơi công nghiệp được sử dụng để cấp nhiệt, hơi, nước nóng cho các ngành: - Ngành công nghiệp nhẹ: dệt may, giầy da, nhựa, thuốc lá, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thủy sản, chế biến nông nghiệp....