3 cường quốc châu Á đột nhiên tăng tốc mua một thứ viên nén của Việt Nam
3 cường quốc châu Á đột nhiên tăng tốc mua một thứ viên nén của Việt Nam
K.Nguyên
Thứ ba, ngày 11/04/2023 12:30 PM (GMT+7)
Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã giúp xuất khẩu viên nén gỗ, dăm gỗ vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng, trở thành cứu cánh cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong 3 tháng đầu năm 2023.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu viên nén gỗ, dăm gỗ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cụ thể, trong tháng 2/2023, xuất khẩu viên nén gỗ đạt giá trị 60,522 triệu USD, tăng 64% so với tháng 2/2022; tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu viên nén gỗ đạt 119,789 triệu USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu dăm gỗ trong tháng 2/2023 đạt 166,697 triệu USD, tăng tới 80,2% so với tháng 2/2022; tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu dăm gỗ đạt 345,38 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dăm gỗ và viên nén gỗ là 2 mặt hàng có trị giá xuất khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2023, do nhu cầu tăng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại thị trường Trung Quốc, với việc mở rộng công suất bột giấy cùng với việc thiếu sợi gỗ trong nước đã thúc đẩy thương mại dăm gỗ ở Trung Quốc trong 10 năm qua.
Hàn Quốc với chính sách mở rộng nguồn cung năng lượng tái tạo, quy mô thị trường nhiên liệu sinh học của Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng, do đó nhu cầu đối với viên nén gỗ dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối, do vậy nhu cầu sử dụng dăm gỗ và viên nén gỗ có xu hướng tăng mạnh.
"Trên thị trường thế giới hiện nay có xu hướng dùng viên nén gỗ để thay thế nhiên liệu than trong sản xuất nhiệt điện nhằm giảm phát thải khí các-bon, nên nhu cầu sử dụng viên nén trong tương lai sẽ rất lớn", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm tốc
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 3/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều có kim ngạch giảm mạnh, trừ mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ.
Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, do sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ, đặc biệt là đối với các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Đơn cử như tại Mỹ, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ giảm mạnh là do tác động của lạm phát vẫn ở mức cao; cùng với đó chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo nhu cầu đồ nội thất bằng gỗ tại thị trường này giảm mạnh.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ trong tháng 1/2023, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt 681,5 triệu USD, giảm 0,9% so với tháng 1/2022.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam gia tăng tại thị trường Mỹ tất yếu sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức cao hơn về các vụ việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại từ phía Mỹ.
Cùng với đó là hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp của ngành gỗ phải đối mặt như chính sách tài chính tiền tệ của Mỹ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn,...
"Nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Mỹ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ. Theo đó, trong ngắn hạn xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ khó có khả năng tăng trưởng", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.