Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Các phương pháp và chương trình tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế" do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổ chức chiều 5/4.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa burnout là "hội chứng gây ra bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc". Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nhân viên y tế TP.HCM bị suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc, căng thẳng.
Ngành y tế thành phố không chỉ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận hàng triệu người đến từ các địa phương, nước khác. Năm 2023, số bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện thành phố chiếm 1/4 tổng lượt khám toàn quốc, tỷ lệ này ở nội trú là 1/10. Riêng hồ sơ công vụ mỗi tháng 2.000-3.000 lượt.
Nhân viên y tế không chỉ chịu áp lực về cường độ công việc, môi trường làm việc mà còn phải gánh chịu những phản ứng, thất vọng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Việc họ phải cất giấu những cảm xúc đó để làm việc là áp lực rất nặng, dẫn đến quá tải về sức khỏe tinh thần, dẫn đến hội chứng kiệt sức.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh: "Nhận thức về sức khỏe tâm thần của người dân nói chung, nhân viên y tế nói riêng chưa rõ ràng. Bên cạnh đó còn có những định kiến, kỳ thị nên hầu như nhân viên y tế không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cần phân biệt rõ khái niệm điên với sức khỏe tâm thần là khác nhau".
Bác sĩ Châu đưa ra một ví dụ về một trường hợp nhân viên y tế bị trầm cảm nặng, nhưng người này cố chịu đựng, không nói ra, đồng nghiệp có nhận thấy vấn đề khác thường nhưng cũng không quan tâm nhiều, dẫn đến hậu quả là người này tự sát. Bác sĩ Châu nhấn mạnh, các bệnh viện, nhà quản lý phải nhận thức đây là vấn đề hiện hữu, phải nhìn thẳng vào sự thật.
TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cho biết, một khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, có 42,4% nhân viên y tế của bệnh viện rơi vào trạng thái lo âu; 24,3 nhân viên y tế có dấu hiệu trầm cảm; 16% nhân viên y tế bị stress. "Kết quả khảo sát thật khủng khiếp và chúng tôi nhận ra rằng cần phải có những giải pháp can thiệp kịp thời, tháo gỡ tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhiều hơn nữa cho nhân viên y tế", bác sĩ Phan Thị Hằng cho hay.
Đứng trước vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế, Ban giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã tổ chức các hoạt động như tổ chức các buổi trò chuyện "vòng tròn chia sẻ", "sơ cứu tâm lý" để nâng đỡ tâm lý cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó là thiết kế tài liệu, sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần để nhân viên y tế trang bị kiến thức, kỹ năng để tự nâng đỡ, tự cứu chữa cho chính mình.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hằng, vẫn còn nhiều nhân viên y tế có tâm lý khép kín, chưa cởi mở với các vấn đề tâm thần của bản thân, không quan tâm đến thực hành giảm stress cho chính mình. Để giảm thiểu các vấn đề tâm lý phát sinh trong quá trình làm việc, theo bác sĩ Hằng, lãnh đạo các cơ sở y tế cần tạo môi trường làm việc tích cực, an toàn cho nhân viên; có thái độ tôn trọng, trân trọng với công sức của nhân viên y tế, giao đúng việc nhưng không tạo quá nhiều áp lực lên nhân viên y tế. Đặc biệt, cần có giải pháp can thiệp sơ cứu tâm lý cho nhân viên y tế sớm nhất có thể, giảm sang chấn tâm lý lâu dài.
"Chỉ khi nhân viên y tế thực sự khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần thì họ mới có thể chăm sóc tốt cho người bệnh, đạt hiệu quả cao nhất trong công việc", bác sĩ Phan Thị Hằng khẳng định.
Nhận thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, từ năm 2023, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, huấn luyện kỹ năng, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn cho nhân viên y tế khi cần thiết. Hiện tại, nhiều cơ sở y tế đã hình thành các phòng thư giãn cho nhân viên, lập đơn vị tư vấn tâm lý…
"Sức khỏe của nhân viên y tế ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc. Do đó, đầu tư chăm lo cho sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế cũng cần được đặt vị trí quan trọng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc của bệnh viện", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh và cho biết thêm, Sở Y tế đang cùng các chuyên gia xây dựng bộ tài liệu về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế.
Báo cáo của cuối năm ngoái của Sở Y tế TP.HCM với đoàn giám sát HĐND thành phố cũng chỉ ra, áp lực công việc là nguyên nhân khiến nhân viên y tế khu vực công nghỉ việc bên cạnh các lý do như không đảm bảo sức khỏe, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19, mức thu nhập thấp, nhà xa... Từ năm 2021 đến tháng 10/2023, có 1.024 nhân viên y tế cấp bệnh viện quận, huyện, TP.Thủ Đức và các trung tâm y tế nghỉ việc.