Không giống như những loài rau mọc trên đồng ruộng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các loại phân bón, thuốc trừ sâu và bao nhiêu loại hóa chất khác, rau mọc trong rừng chỉ được tưới bởi nước trời nên an toàn tuyệt đối. Rau dạ hiến, rau ngót núi, rau khau ca thi nhau đâm những ngọn non tua tủa, xanh mơn mởn.
Nhiều người sáng ra đã đem theo túi vào rừng núi để hái rau dạ hiến, rau ngót rừng. Trưa giở cơm nắm, muối vừng ra ăn, khát uống nước từ những mạch len ra từ khe đá.
Tối về ai cũng kiếm được vài cân dạ hiến, rau ngót đem về xào lòng, thịt, nấu canh, đem ra chợ bán. Rau dạ hiến đem xào với thịt bò ăn ngon, ngọt, ai được ăn một lần sẽ không quên được mùi vị. Cũng có người xào rau dạ hiến với lòng lợn, xào với trứng gà cũng ngon lắm.
Cách xào cũng rất đơn giản. Rau ngót được ngắt đoạn dài hai, ba đốt ngón tay, rửa sạch. Lòng xào chín rồi mới đổ rau vào đảo qua, rau chín tới là có thể đổ ra đĩa.
Rau dạ hiến-một trong những loại rau rừng đặc sản ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Cao Bằng.
Cũng không biết từ khi nào rau dạ hiến trở thành đặc sản của địa phương, mỗi kg bán ngang giá cân thịt lợn. Dạ hiến đỏ còn có thể bán giá cao hơn vì hiếm có.
Rau ngót núi đem làm canh thì ngọt lịm. Rau ngót nấu với xương thì càng đậm đà. Có mùa mỗi kg rau ngót bán giá một, hai trăm nghìn đồng mà không có đủ nguồn cung.
Cũng giống như cây mác mật, cây rau ngót cũng có cây ngọt, cây đắng. Khi lên núi, vào rừng người hái phải nếm thử mới có thể hái về ăn.
Chỉ cần một cây đắng lẫn vào những cây ngọt khi đem nấu canh sẽ hỏng cả nồi. Nồi canh rau ngót lẫn cây đắng, ngọt sẽ không thể ăn vì vị của nó không chỉ đắng mà còn gây cảm giác ngấy.
Rau ngót cây (để phân biệt với rau ngót dạng dây leo) nó lạ vậy, không phải nhìn thấy cây ra ngọn non là có thể hái về nhà nấu ăn, bày bán ở chợ cho người tiêu dùng được.
Rau dạ hiến, rau ngót mọc trên núi đá. Có dây dạ hiến leo lên những cây cao, người hái cũng phải trèo lên cây cao để ngắt lấy những ngọn non.
Có thể chặt cây để hái rau, nhưng làm vậy sang năm cây sẽ không cho ra nhiều ngọn non nữa. Nhìn những ngọn rau mơn mởn trên tán lá cây người đi hái cảm thấy thích thú lắm. Khi ngắt dạ hiến tỏa ra mùi đặc trưng mà những loại rau dại họ dây leo trong rừng không có được.
Không chỉ có dạ hiến, khau ca, rau ngót mùa này đi vào rừng núi còn có rau dớn, củ mài... Trước đây nhiều gia đình thiếu ăn mùa giáp hạt đã đem theo xà beng, xẻng vào rừng đào củ mài đem về nấu lẫn với ít gạo, ngô, rau ngải cứu để băng qua mùa đói.
Mùa này đi vào rừng lên núi có bao nhiêu loài rau, nấm mọc tự nhiên có thể hái đem về xào nấu, làm canh ăn ngon đậm hương vị núi rừng.