Dân Việt

Tường thuật từ tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn: Xách từng can nước cứu ruộng bí đao

Quang Sung 08/04/2024 14:59 GMT+7
Tiền Giang là tỉnh đầu tiên phải công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn. Có mặt tại một số địa phương ở nơi đây, PV Dân Việt đã chứng kiến muôn kiểu chống hạn của người dân khi tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra ngày càng nặng nề. Có gia đình phải xách từng can nước "cứu" ruộng bí đao ngay giữa đêm khuya.

Xách từng can nước cứu ruộng bí đao

Bốn người trong một gia đình đang xách từng can nước ngọt 30 lít, đi rảo quanh để tưới cho ruộng bí đao đang thời điểm thu hoạch. Cả ruộng bí đao lá chuyển màu vàng, trái bí còi cọc đang nằm phơi dưới cái nắng gay gắt.

“Xung quanh đây thiếu nước, ruộng người ta bỏ khô hết rồi. Mình có nước đìa (ao trữ nước- PV) nên cố gắng tưới cho nó no trái, hái bán kiếm vốn”, ông Võ Văn Cao, chủ ruộng bí đao tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết.

Tường thuật từ tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn: Xách từng can nước cứu ruộng bí đao - Ảnh 1.

Gia đình ông Cao đang chia nước ra can để tưới cho ruộng bí đao. Ảnh: Quang Sung

Ruộng bí đao của ông Cao đã trồng được hơn 2 tháng, đang cho thu hoạch. Với 3 sào (3.000m2) bí đao, nếu điều kiện thuận lợi mỗi ngày ông Cao thu được 1 tạ bí và thu liên tục trong một tháng.

Tuy nhiên, hiện nay những con kênh dẫn nước xung quanh ruộng ông Cao đã cạn, đổi màu không còn dùng được, hệ thống tưới tự động trên ruộng của ông trở nên vô nghĩa. Nhờ nước dự trữ trong ao nhỏ, nên ông Cao dùng máy bơm đưa nước vào, cho ra từng can nhỏ để tưới khắp ruộng.

“Một tuần tôi mới tưới một lần, nước đâu có mà tưới nhiều, tưới cầm chừng cho cây khỏi khô thôi. Một lần tôi tưới khoảng 100 can, mỗi can 30 lít, cả nhà ra thay phiên nhau làm hơn 3 tiếng đồng hồ là về nghỉ”, ông Cao nói.

Ruộng ông Cao là một trong vô số ruộng tại xã Gia Thuận, đang rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn mặn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp thiếu nước, đồng nghĩa nước sinh hoạt của bà con tại đây cũng khan hiếm.

Tường thuật từ tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn: Xách từng can nước cứu ruộng bí đao - Ảnh 3.

Một tuần ruộng bí đao này mới được tưới nước một lần. Ảnh: Quang Sung

Bà Thái Thị Út đang lấy nước tại một điểm cung cấp nước ngọt miễn phí trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Bà Út đem theo ba can 30 lít, bà đứng hơn 30 phút hai can nước vẫn chưa đầy.

“Do sáng giờ người ta lấy nhiều nên nước nó yếu, đang chờ xe bồn về châm thêm cho chiều bà con đến lấy”, bà Út nói.

Tường thuật từ tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn: Xách từng can nước cứu ruộng bí đao - Ảnh 4.

Ruộng lúa khô cằn tại huyện Gò Công Đông vì thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: Quang Sung

Nhà bà Út có nuôi dê, bò nên phải đi lấy nước thường xuyên để cung cấp cho vật nuôi, cũng như cho gia đình sinh hoạt. “Nước máy ngừng cấp hơn nửa tháng rồi, lâu nay dùng nhờ nguồn nước từ các bồn này. Năm nay trồng trọt là chịu thua, làm chăn nuôi thì còn cầm cự được, nước rửa chén xong mình còn tưới cỏ để cho bò ăn được”, bà Út cười nói.

“Không để một ngày người dân không có nước sạch sử dụng"

Ngày 7/4 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Tường thuật từ tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn: Xách từng can nước cứu ruộng bí đao - Ảnh 5.

Dòng kênh cạn nước chạy dọc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Quang Sung

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, hiện có 9/11 huyện, thành phố của tỉnh đủ nước sinh hoạt, chỉ thiếu cục bộ ở một số xã thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông do ở cuối mạng lưới cấp nước, hoặc chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước. Tỉnh Tiền Giang đã mở khoảng 105 vòi nước, điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí cho người dân, “không để một ngày người dân không có nước sạch sử dụng".

Riêng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển, kiên quyết không để ai phải thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024.

Tường thuật từ tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn: Xách từng can nước cứu ruộng bí đao - Ảnh 6.

Người dân tranh thủ bắt cá khi dòng kênh cạn nước. Ảnh: Quang Sung

Về quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tình hình chưa đến mức khẩn cấp.

Tuy nhiên, tỉnh công bố sớm để các sở, ngành, địa phương chuẩn bị trước phương án khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt phù hợp tình hình thực tế.