Theo Armyrecognition, F-16 do Mỹ sản xuất từng được ca ngợi là có khả năng thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khi loại chiến đấu cơ này trở thành nòng cốt trong chiến lược phòng thủ của Ukraine,
Tuy nhiên, việc triển khai những máy bay này ở Ukraine từ lâu vẫn là chủ đề tranh luận gay gắt giữa nhiều quốc gia khác nhau nhằm đánh giá tính hiệu quả của chúng trên không phận Ukraine.
Washington đã chấp thuận cho các đồng minh và đối tác triển khai F-16 ở Ukraine vào tháng 8/2023, với điều kiện các phi công Ukraine phải trải qua khóa huấn luyện chuyên sâuđể đảm bảo sử dụng hiệu quả máy bay này.
F-16 - máy bay đa năng được phát triển bởi General Dynamics, nay là Lockheed Martin - vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lực lượng không quân trên khắp thế giới. Thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 2/2/1974, F-16 chính thức được đưa vào hoạt động vào ngày 17/8/1978 và vẫn hoạt động.
Máy bay này được thiết kế để chỉ một phi công lái, mặc dù có cả phiên bản hai phi công lái ở một số biến thể.
Về kích thước, F-16 có sải cánh 9,8 mét, dài 14,8 mét và cao 4,8 mét, diện tích cánh là 27,87 m2. Đặc điểm khối lượng của nó bao gồm trọng lượng rỗng là 8.272 kg và có thể lên tới 16.900 kg khi đầy tải, bao gồm cả vũ khí.
Về hiệu suất, F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.173 km/h (Mach 2,04) và trần hoạt động 15.200 mét. Tốc độ leo của nó rất ấn tượng, đạt tới 15.240 mét mỗi phút, với tầm hoạt động 550 km. Vũ khí của nó bao gồm một khẩu pháo M61A1 Vulcan 20 mm, cũng như nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất, bom dẫn đường bằng laser...
Tuy nhiên, một quan chức quân sự cấp cao giấu tên của Ukraine nói với Politico rằng, thời điểm chuyển giao vũ khí là rất quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra và ngày càng biến đổi theo thời gian. Hiện F-16 được cho là không phù hợp với nhu cầu hiện tại của Ukraine. Quan chức này cho biết: “Trong chiến tranh, sự liên quan của các hệ thống vũ khí rất nhạy cảm với thời gian. F-16 được săn đón vào năm 2023. Tuy nhiên, tính hữu dụng của chúng vào năm 2024 hiện gặp nhiều nghi vấn”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao vũ khí kịp thời, vị quan chức Ukraine này đã lưu ý đến tác động quyết định của tên lửa chống tăng do Anh và Mỹ cung cấp cho Kiev trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Ông cảnh báo không nên trì hoãn kéo dài việc chuyển giao vũ khí vì thời gian nhận vũ khí càng chậm, chúng sẽ càng ít tác động đến chiến trường.
Theo vị quan chức này, hiện tại, Kiev đang có nhu cầu cấp thiết về đạn dược thông thường và máy bay không người lái với số lượng đáng kể để chống lại khả năng tấn công của Nga.
“Chúng tôi cần pháo, đạn dược và hàng triệu máy bay không người lái”, vị quan chức Ukraine nhấn mạnh.
Thừa nhận nguy cơ sụp đổ tiền tuyến sắp xảy ra nếu không được cung cấp đủ vũ khí, các quan chức Ukraine thừa nhận rằng, lực lượng Nga có thể khai thác các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine để giành lợi thế.
Việc Moscow liên tục oanh tạc vào các vị trí của Ukraine bằng đạn dược dẫn đường chính xác đã làm gia tăng mối lo ngại ở Kiev về khả năng tiền tuyến sụp đổ.
Nhìn chung, Armyrecognition bình luận, mặc dù những chiếc máy bay F-16 được Ukraine tha thiết yêu cầu vào năm 2023, nhưng có vẻ như hiện một số quan chức nước này đã không còn coi sự xuất hiện của chúng là phù hợp mà thích sử dụng đạn pháo hơn. Hiện nhu cầu về loại này của Ukraine cực kỳ cao nhằm để ngăn chặn những bước tiến trên chiến trường của Nga.