Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2003 Bộ NNPTNT thành lập Cục Hợp tác xã và PTNT trên cơ sở hợp nhất giữa Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới với Vụ Chính sách nông nghiệp và PTNT, đến năm 2008, đổi tên thành Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.
Hợp tác xã nông nghiệp có sự chuyển đổi về chất, chuỗi liên kết sản xuất trở thành phổ biến
Với 20 năm trưởng thành và phát triển, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã tham mưu lãnh đạo Bộ nhiều kết quả nổi bật, trước hết là về kinh tế hợp tác. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, kinh tế hợp tác chức năng chính hỗ trợ cho hộ cá thể tiếp cận với kinh tế thị trường thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp.
Tuy nhiên, do người sản xuất vẫn quan niệm, nhận thức về HTX kiểu cũ nên HTX gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển.
"Đến năm 2015, Ban Bí thư đã có kết luận 56, trong đó có nêu câu "phải khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài của HTX nông nghiệp". Trên cơ sở đó, Quốc hội cũng có một nghị quyết phải phát triển 15.000 HTX nông nghiệp" - ông Nam thông tin.
Trên cơ sở kết luận của Ban Bí thư và Nghi quyết của Quốc hội, Bộ NNPTNT đã xây dựng dự án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp, trong đó Cục Kinh tế hợp tác và PTNT là đơn vị chủ trì tham mưu và hướng dẫn các địa phương có sự phối hợp của các đơn vị của Bộ.
Từ 8.000 HTX nông nghiệp năm 2003, đến nay cả nước đã có hơn 21.000 HTX nông nghiệp và đã có sự phát triển, trưởng thành vượt bậc. "Chúng tôi đánh giá đã có sự chuyển đổi về chất của HTX nông nghiệp" - Thứ trưởng Nam nói và cho biết có trên 10% HTX đã có doanh nghiệp trong HTX và 30% HTX liên kết với doanh nghiệp. Đây là tín hiệu ban đầu cũng đã khẳng định bước đi của các HTX nông nghiệp trong thời kỳ mới.
Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Cục. "Khu vực này hiện đã "vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, phát triển ổn định, tăng cả về số lượng và chất lượng" và đang trở thành thiết chế quan trọng ở nông thôn" - ông Thịnh khẳng định.
Trên cơ sở thực tiễn sản xuất, năm 2018, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đến nay đã có 30% các HTX tham gia liên kết và giá trị sản phẩm được tạo ra trong các chuỗi liên kết này chiếm khoảng 21,6%.
Về phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đến nay cả nước đã có trên 11.000 sản phẩm OCOP ở khắp mọi nơi trên đất nước. "Hiện nay phong trào OCOP cũng đã phát triển rộng khắp, đây là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn. Đó là những kết quả, trong đó có sự đóng góp, nỗ lực của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Cục cần tham mưu cho Bộ trình Chính phủ Nghị định về quản lý nông thôn
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chỉ rõ, trước yêu cầu mới của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành NNPTNT nói chung và Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nói riêng, đó là: đẩy mạnh quy mô sản xuất lớn, đảm bảo năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Vì thế, ông đề nghị lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển lên tầm cao mới với các mô hình HTX hiệu quả, đa dịch vụ, thích ứng với thị trường; phát triển kinh tế trang trại và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, cả nước có trên 20.000 trang trại, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế ở địa phương. "Xu hướng của kinh tế trang trại đang phát triển, mở rộng không những là sản xuất mà chuyển sang làm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, thương mại cho nên đòi hỏi Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phải nghiên cứu, tham mưu cho Bộ để trình cho Bộ để trình Chính phủ những cơ chế, cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế trang trại" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt vấn đề.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ đạo Cục tham mưu cho Bộ hoàn thiện cơ sở pháp lý để định hướng, chỉ đạo phát triển, nhất là cơ sở pháp lý về cơ giới hóa, kinh tế trang trại và quản lý nông thôn. Hiện nay, Cục đang tham mưu cho Bộ để trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ.
"Chương trình nông thôn mới đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đánh giá là một chương trình có thành tựu to lớn, lịch sử và toàn diện. Tuy nhiên, đến giờ này về cơ sở để phát triển nông thôn vẫn chưa có có sở pháp lý. Chúng tôi đã có định hướng trao đổi với Bộ Xây dựng, sắp tới Bộ Xây dựng vừa tham mưu Chính phủ một Luật Quy hoạch về đô thị và nông thôn và chúng tôi cũng định hướng sắp tới đề nghị Cục Kinh tế hợp tác phải nghiên cứu để tham mưu cho Bộ trình Chính phủ một Nghị định về quản lý nông thôn" - Thứ trưởng Nam nói.
Tại lễ kỷ niệm, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 của Bộ NNPTNT.