20 năm thành lập Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Dấu ấn về tổ chức lại sản xuất, bảo đảm an sinh nông thôn
20 năm thành lập Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Dấu ấn về tổ chức lại sản xuất, bảo đảm an sinh nông thôn
Khương Lực
Thứ ba, ngày 09/04/2024 08:42 AM (GMT+7)
Chiều 9/4, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (2003-2023) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trải qua quá trình 20 năm hình thành và phát triển, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển hợp tác xã, làng nghề, di dân và đảm bảo an sinh nông thôn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, thành tựu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trong 20 năm qua ở tất cả các lĩnh vực rất đáng ghi nhận, từ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng các trang trại, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề nông thôn, cơ điện hay là diêm nghiệp. "Tất cả các lĩnh vực đó đã đều được các địa phương, người dân ghi nhận"- ông Thịnh nói.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT).Ảnh: Nguyễn Chương
Có thể nói lịch sử hình thành, nhiệm vụ chính trị của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn gắn liền với sự phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ những năm 60 khi Chính phủ thành lập các Bộ Nông nghiệp; Bộ lâm nghiệp và Bộ Nông trường. Theo đó các lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và di dân vùng kinh tế mới, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện; Nông lâm trường và Phát triển nông thôn tiếp tục cho đến ngày nay.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn qua nhiều thế hệ, những năm tới tập thể, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục sẽ nguyện đoàn kết, phấn đấu tiếp tục đưa hoạt động của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn với sứ mệnh là tham mưu các cơ chế, chính sách cũng như là chỉ đạo sản xuất đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục tiến bước, xứng đáng với các mong đợi của người dân và các thế hệ đi trước đã để lại.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
Trước những đòi hỏi của thực tiễn về quản lý nhà nước, năm 2003, Bộ NNPTNT quyết định thành lập Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn. Đến năm 2008, Cục đổi tên và chính thức mang tên là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Năm 2014 tách Văn phòng Nông thôn mới và năm 2017 tiếp nhập 3 phòng chuyên môn và một đơn vị sự nghiệp từ Cục Chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối.
Giai đoạn 2003 -2014, Cục tập trung cùng với các đơn vị chức năng tham mưu cho Bộ NNPTNT thôn chương trình sắp sếp ổn định dân cư; định hình và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là nội dung quan trọng của Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ năm 2014 đến năm 2022, Cục đã tập trung toàn diện về tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn để đáp ứng yêu cầu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ông Lã Văn Lý - Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, dấu ấn lớn nhất mà tất cả những người làm công tác trong ngành nhắc lại đó là sự phát triển rất lớn cả về quy mô, nhiệm vụ lẫn lực lượng.
"Như chúng ta đã biết trước năm 2003, Cục chỉ có 2 nhiệm vụ chính, đó là định canh định cư và xây dựng vùng kinh tế mới. Nhưng năm 2003 khi Cục ra đời thì nhiệm vụ của Cục đã phát triển nhanh chóng và bao gồm phần lớn những nhiệm vụ của xây dựng nông thôn mới" - ông Lã Văn Lý chia sẻ.
Tổ chức lại sản xuất, số lượng hợp tác xã tăng gần gấp 3 lần
Tổ chức lại sản xuất, phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiện nay trở thành cấp thiết, trụ cột, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: "Hợp tác xã, hợp tác xã, hợp tác xã hay không gì cả".
"Nhiều đất nước nền nông nghiệp đi lên là dựa vào hợp tác xã. Nông nghiệp phải sản xuất hàng hóa lớn, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh đất của mình nhưng mà hợp tác lại, tập trung đất đai lại thì hợp tác xã là một trong những giải pháp tích tụ đất đai" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nước ta là một nước nông nghiệp lấy canh nông làm gốc, nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điền chủ nông gia Việt Nam vào ngày 11/4/1946
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc.
Từ 8.000 hợp tác xã năm 2003 đã tăng lên 20.789 hợp tác xã vào cuối năm 2023, thu hút 3,85 triệu thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp; trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và gần 2.500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 4.339 hợp tác xã tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên.
Các hợp tác xã nông nghiệp đã trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đến nay, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 21,6%, trong đó nhiều sản phẩm chủ lực quốc gia đạt tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết khá cao như: điều, hồ tiêu, cà phê, lúa gạo.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định: "Đối với nền kinh tế thị trường hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp phải tính đến vấn đề chuỗi giá trị, từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ, không thể nào không có vai trò của HTX được. Bởi vì, các doanh nghiệp không thể nào đi từng hộ gia đình để liên kết".
Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Luật Hợp tác xã năm 2023 sẽ là tiền đề mở ra cơ hội mới để xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trở thành một trong những mô hình kinh tế nòng cốt ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, cộng đồng.
Cơ giới hóa nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm, định hướng, ban hành cơ chế, chính sách để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, tỷ lệ trang bị máy động lực đạt khoảng 3,1 mã lực trên 1 ha canh tác, số lượng máy kéo tăng 30%, máy gặt đập liên hợp tăng 24% so với năm 2016. Giai đoạn 2011-2022, cả nước có trên 7.800 doanh nghiệp cơ khí, trong đó có trên 100 doanh nghiệp cơ khí, chế tạo, sửa chữa và bảo hành máy móc, thiết bị.
Nhiều loại máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp có tiến bộ rõ rệt về công nghệ, đặc biệt các thiết bị công nghệ 4.0; thiết bị sấy cỡ vừa và lớn và hệ máy canh tác lớn đang được áp dụng, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ cơ khí nông nghiệp.
Trong giai đoạn tới, cơ giới hóa sẽ được triển khai đồng bộ từ việc trang bị máy móc, đến phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… và cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi sản xuất từ khâu gieo hạt cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, phân phối, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Lần đầu tiên tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam
Đảm nhận nhiệm vụ quản lý ngành nghề nông thôn và làng nghề, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã sớm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52 ngày 12/4/2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 1058 ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 801 ngày 04/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Đến nay, cả nước đã công nhận 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề và làng nghề truyền thống, tăng 526 làng so với năm 2013. Với khoảng 880.000 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nghề thu hút gần 3,7 triệu lao động. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2023, lần đầu tiên Bộ NNPTNT tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam mang tầm quốc tế đã được nhiều nghệ nhân, thợ giỏi, địa phương trên cả nước hưởng ứng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước động viên, ghi nhận, vinh danh. Ảnh: V. Chương
Triển khai Đề án 1956, Cục đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho trên 3 triệu lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp, thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình trọng điểm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thực hiện tiêu chí về lao động trong xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn tới, Cục định hướng nâng cao chuẩn đầu ra với các nghề nông nghiệp, đào tạo nghề mới, tập trung vào chế biến, bảo quản nông sản, phát triển sản phẩm OCOP; quản trị chuỗi giá trị, cơ giới hóa nông nghiệp… nhằm tạo ra một lực lượng nông dân chuyên nghiệp, từng bước tri thức hóa nông dân, chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Nghề muối tại Việt Nam có từ lâu đời và là ngành sản xuất có tiềm năng đa dạng các sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Đến nay, sản lượng muối trong nước đạt bình quân trên 1 triệu tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Bố trí ổn định dân cư cho hàng triệu hộ dân, đảm bảo an sinh nông thôn
Thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, hơn 60 năm qua Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã tham mưu để ổn định dân cư cho cả triệu lượt hộ đến các vùng Kinh tế mới; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, thiên tai, rừng đặc dụng, dân di cư tự do; di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện lớn.
Trong những năm chiến trang chống Mỹ cứu nước (1960 – 1975) và giai đoạn hòa bình thống nhất đất nước 1975- 1985 cả nước đã đưa hàng triệu người đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi phía bắc và bố trí tái định cư cho hàng trăm ngàn người ở các tỉnh vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là giai đoạn 1995 đến 2003, mỗi năm tổ chức di dời được gần 30.000 hộ đến các dự án kinh tế mới lập nghiệp. Hàng vạn lượt hộ đã được tái định cư mà nhờ đó các công trình thủy điện mang tầm thế kỷ đã ra đời như: thủy điện Hòa Bình; Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776 – nay là Quyết định số 590 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22 của Chính phủ, đến hết năm 2023, cả nước bố trí, sắp xếp ổn định cho hơn 120 nghìn hộ. Người dân đến các điểm tái định cư có nhà ở khang trang, công trình hạ tầng thiết yếu, đời sống, sản xuất từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Là đơn vị đầu mối tham mưu cho Bộ thực hiện hỗ trợ sản xuất các chương trình mục tiêu quốc gia. Cục đã tham mưu cho Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giúp cho trên 550.000 hộ nghèo phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.
Với mục tiêu hướng tới sản xuất an toàn cân bằng dinh dưỡng, chương trình không còn nạn đói giúp các hộ nghèo sản xuất cân bằng dinh dưỡng góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực phực phẩm. Việc triển khai hiệu quả chương trình này cũng là tiền đề để Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030.
Kế thừa những thành tựu rất đáng tự hào của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn những năm qua, trên cơ sở nhiệm vụ được giao và những đòi hỏi của thực tiễn phát triển nông nghiệp nông thôn, nhiệm vụ sắp tới của Cục được xác định là rất rộng lớn, bao trùm.
Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô các hợp tác xã; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững; phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với bảo tồn giá trị văn hóa nghề và làng nghề, tạo đà cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, chuyển đổi thành công tư duy kinh tế nông nghiệp; chú trọng phát triển cơ giới hóa đồng bộ; thực hiện thành công tái cơ cấu nghề muối trên cơ sở đa dạng hóa và nâng tầm giá trị hạt muối, bảo đảm rằng những hạt muối quê hương cũng tìm đường hội nhập, phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh như các Nghị quyết số 19, 20 và Quyết định 150 của Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Bá Lương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong từng giai đoạn cụ thể, Chi cục Phát triển nông thôn luôn tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các chương trình, đề án để phát triển lĩnh vực của ngành như đề án phát triển, củng cố hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề án sắp xếp ổn định dân cư vùng phòng chống thiên tai các huyện miền núi, chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn.
"Chúng tôi xác định với phương châm gần dân, bám sát dân, bám sát cơ sở để tham mưu có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao cho ngành" - ông Lương nhấn mạnh.
Quá trình hình thành và phát triển Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
Trước những đòi hỏi của thực tiễn về quản lý nhà nước, năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn. Đến năm 2008, Cục đổi tên và chính thức mang tên là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
- Năm 2014, với yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trên cơ sở tách ra từ Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn.
- Ngày 31/3/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định sát nhập 3 phòng chuyên môn và một đơn vị sự nghiệp từ Cục Chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Đến nay, bộ máy tổ chức của Cục có 7 Phòng chuyên môn và 1 trung tâm ; 2 văn phòng của Chính phủ và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt tại Cục là Văn phòng Chương trình không còn nạn đói và Văn phòng Điều phối phát triển nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Hệ thống ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã được hình thành và kiện toàn ở hầu hết các địa phương. Cả nước hiện nay có 59 chi Cục Phát triển nông thôn với tổng số 1.378 cán bộ, công chức, viên chức. Lực lượng này là nhân tố quan trọng để giúp lãnh đạo địa phương quản lý nhà nước trên địa bàn cũng như hỗ trợ người dân an sinh xã hội và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.