Để có cái nhìn toàn diện và lý giải thấu đáo về những hạn chế cũng như đưa ra những giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch hồ Ba Bể, Dân Việt xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài "Bắc Kạn đánh thức "nàng tiên" hồ Ba Bể".
Trở lại hồ Ba Bể lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng hồ và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn khi nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch hồ Ba Bể.
Hồ Ba Bể vẫn xanh trong, cái xanh trong vốn có của mắt người thiếu nữ giữa bảng lảng sương chiều, mơ màng, diệu vợi. Chỉ đứng trên bờ mà nhắm mắt lại thôi cũng đã cảm nhận được cái đẹp, sự khôn cùng, mênh mông và tĩnh tại.
Không ồn ào, không màu mè, hồ Ba Bể tự nhiên, như nhiên. Cứ vậy mà chạm đến tận cùng cảm xúc của những khách đường xa. Anh bạn đi cùng chúng tôi phải thốt lên, đây đúng thật là nơi lý tưởng để trút gánh xô bồ.
Đặng Văn Hùng, người đồng hành trong nhiều chuyến đi, cũng đồng thời là người kể chuyện đồng rừng cho những vị khách đường xa đến với hồ Ba Bể, trong chuyến đi lần này đôi lúc cũng phải lặng mình trước cảnh sắc của mênh mông sóng nước.
Hùng bảo, là người dân bản địa, đi nhiều quen chân, nhìn nhiều quen mắt mà cũng chưa cảm hết được cái đẹp nơi đây. Mỗi lần đưa khách xuyên rừng hay lênh đênh mặt hồ, cảm xúc đều rất mới lạ.
"Có thể nói, nàng tiên lộng lẫy mang tên hồ Ba Bể đã thức sau một giấc ngủ dài khi tỉnh Bắc Kạn được đầu tư mở mới tuyến TP.Bắc Kạn - hồ Ba Bể, kết nối sang huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang)" - Đặng Văn Hùng nói.
Được biết, đây là dự án thuộc danh mục các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh Bắc Kạn.
Dự án được UBND tỉnh Bắc Kạn giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2024, triển khai theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 thi công tuyến đường có chiều dài 37km với quy mô đường cấp III miền núi, mặt đường bê tông nhựa. Giai đoạn 2 thi công 40,3km kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là trên 2.800 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Thấm, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ, với sự đầu tư và nỗ lực tuyên truyền, quảng bá du lịch hồ Ba Bể của Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn, việc du lịch hồ Ba Bể chạm ngưỡng 1 triệu lượt khách/năm là hoàn toàn có thể.
Dự án khởi công tháng 4/2022, kế hoạch hoàn thành vào năm 2024. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Kạn.
Bởi không chỉ rút ngắn khoảng cách từ TP. Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối với tỉnh Tuyên Quang mà tuyến đường còn đi qua những rừng chè Shan Tuyết cổ thụ, những làng nghề truyền thống ở độ cao gần 700m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát lạnh và qua những bản người Tày, người Dao lãng đãng sương mờ.
Cùng với những tour, tuyến trải nghiệm vùng hồ đặc biệt thu hút du khách thập phương, chính quyền địa phương còn tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch như Tuần văn hóa - Du lịch hay các sự kiện thường niên: Sắc thu Ba Bể, quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với nông sản đặc hữu địa phương…
Chờ đợi cơ sở pháp lý quan trọng nhất
Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế - PV) được đánh thức là niềm mong mỏi bấy lâu không chỉ của các cư dân vùng hồ.
Hẳn nhiên đó là niềm vui lớn, đánh dấu sự khởi sắc của du lịch tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trong hành trình trở lại hồ Ba Bể lần này, chúng tôi cũng đã nhận được không ít những chia sẻ đầy tâm tư của các cư dân vùng hồ, của những người làm du lịch ở địa phương này và của ngay cả chính những du khách khi đến với hồ Ba Bể.
Anh Nguyễn Việt Phương (du khách đến từ Hà Nội) bộc bạch: "Đoàn chúng tôi có hơn 100 người, nhưng khi lưu trú ở ven hồ Ba Bể phải chia làm 3 tốp do sức chứa của nhà nghỉ, khách sạn ở đây không đủ để tập trung một nơi. Điều này khá bất tiện, chưa kể các nơi ở được phân bổ, chất lượng dịch vụ cũng khác nhau".
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nông Nguyễn Chi, chủ cơ sở Homestay Nhà sàn Chi Hòa (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, cơ sở của anh đón khách từ năm 1999, đến nay cũng đã được hơn 20 năm nhưng cũng chỉ có 6 phòng.
Năm 2023, anh mạnh dạn đầu tư thêm một nhà sàn gỗ ở bên cạnh để phục vụ khách lưu trú nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn người dân sinh sống ở quanh vùng hồ Ba Bể đều không có đất thổ cư. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay đang gặp khó do thuộc khu vực lõi Vườn quốc gia Ba Bể.
"Tôi mong cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế mở đối với người dân sinh sống ở khu du lịch để người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuận tiện cho việc mở rộng cơ sở đón khách du lịch" - anh Chi cho biết.
Còn anh Đặng Văn Hùng, chủ cơ sở Ba Bể Farmstay tại thôn Cốc Tộc (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bên cạnh niềm vui khi tuyến đường mới được mở, lòng cũng bời bời tâm trạng.
Anh Hùng bảo, việc hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với hồ Ba Bể nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn tâm thế, chấp nhận sự thật khách dễ đến cũng sẽ dễ đi. Dịch vụ du lịch của hồ Ba Bể nếu không đáp ứng được, khách sẽ đi sang Tuyên Quang hoặc lên Cao Bằng hay xuôi về Thái Nguyên là điều không thể tránh được và như vậy sẽ mất khách lưu trú.
"Muốn giữ chân được du khách, chính quyền phải tạo điều kiện để cho doanh nghiệp, các chủ hộ kinh doanh, người làm du lịch được mở rộng cơ sở, yên tâm đầu tư. Mà muốn làm được điều này thì đất ven hồ phải được chuyển đổi mục đích sử dụng. Người dân sinh sống ven hồ Ba Bể lúc nào cũng trong cảnh mòn mỏi chờ quy hoạch. Đã bao năm rồi mà đến nay vẫn chưa có được quy hoạch chi tiết, muốn làm gì cũng khó" - anh Đặng Văn Hùng thẳng thắn bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Hoàng Văn Thấm, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể cho biết, mới đây tỉnh Bắc Kạn đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Quốc gia hồ Ba Bể.
Theo ông Hoàng Văn Thẩm, nếu được Thủ tướng phê duyệt, chắc chắn đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành quan tâm đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng du lịch. Song song với đó, Bắc Kạn đã đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giữ gìn những nét đặc sắc của dân tộc và công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
"Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, lượng khách đến khu du lịch hồ Ba Bể sẽ ngày một tăng, xứng với Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia" - ông Thấm khẳng định.
Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 178m so với mặt nước biển, độ sâu từ 17 - 29m, diện tích khoảng 500ha, được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, phong phú đa dạng về động thực vật.
Với những đặc điểm đó, hồ Ba Bể lọt top 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới; được công nhận là vườn Di sản ASEAN. Hồ Ba Bể cũng là một trong 5 khu RAMSAR, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở Việt Nam.
Ngoài ra, hồ Ba Bể còn là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đây là hồ tự nhiên trên núi duy nhất và có hệ thống rừng đặc dụng được bảo vệ độc đáo ở Việt Nam. Khu Ramsar hồ Ba Bể là một hệ sinh thái đầm, hồ, đất, đá, núi và có hệ sinh vật đa dạng bậc nhất Việt Nam hiện nay.
(Còn nữa)