Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ cuối): Khai thác tiềm năng du lịch Hồ Ba Bể

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 02/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Bắc Kạn đang nỗ lực trong việc khai thác tiềm năng quần thể du lịch hồ Ba Bể thông qua việc xây dựng hạ tầng giao thông, hình thành tuyến kết nối liên vùng, khảo sát, đánh giá và kêu gọi đầu tư.
Bình luận 0

Thời điểm chúng tôi có mặt tại quần thể du lịch hồ Ba Bể, tình cờ cũng là lúc đoàn công tác của Phòng Quản lý du lịch và di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện khảo sát, đánh giá các điểm du lịch trên vùng hồ này.

Tiềm năng du lịch phong phú

Trời tối mịt, đoàn công tác do ông Hoàng Minh Thư - Trưởng Phòng Quản lý du lịch và di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn làm trưởng đoàn mới về đến bến xuồng. Sau một ngày leo núi, luồn rừng, hầu như ai cũng có phần mệt mỏi. Được biết, ông Hoàng Minh Thư và đoàn công tác đã có mặt tại quần thể du lịch hồ Ba Bể cả tuần lễ nay.

Ông Thư nhận định, quần thể du lịch hồ Ba Bể là một trong những điểm đến có rất nhiều di sản văn hóa, nguồn tài nguyên phát triển du lịch rất phong phú. Đặc biệt, ở đó có nhiều câu chuyện kể dân gian huyền bí và nhân văn, những di sản văn hóa phi vật thể, những tích, những trò diễn dân gian hay những câu chuyện cổ tích về hồ Ba Bể...

Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ cuối): Khai thác tiềm năng du lịch Hồ Ba Bể - Ảnh 1.

Chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể. Ảnh: Đại Lượng

Nếu khai thác được tốt các tài nguyên này sẽ tạo thành sản phẩm du lịch gắn với văn hóa phục vụ du khách.

"Nói đến Bắc Kạn là nói đến hồ Ba Bể, đây là di sản đã được công nhận di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt. Trong thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn về lĩnh vực quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra những điểm du lịch, tạo được những sản phẩm du lịch đặc trưng"-ông Thư cho biết thêm.

Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ cuối): Khai thác tiềm năng du lịch Hồ Ba Bể - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài hào hứng tham gia múa bát tại một homestay ở hồ Ba Bể. Ảnh: Hoàng Thấm

Theo ông Thư, hoạt động du lịch, những homestay ở quanh khu vực hồ và các thôn bản cần gắn với với hoạt động trải nghiệm về văn hóa. Ông cho rằng, các hoạt động từ lao động sản xuất đến vật chất văn hóa sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng rất khác biệt, mang đậm bản sắc cư dân vùng hồ để phục vụ du khách trong thời gian tới.

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn (nhiệm kỳ 2020 - 2025), có hẳn một nội dung nói về phát triển dịch vụ và du lịch, trọng tâm là hồ Ba Bể. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết 18 về phát triển du lịch. Phòng Quản lý du lịch và di sản cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch.

Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ cuối): Khai thác tiềm năng du lịch Hồ Ba Bể - Ảnh 3.

Các thiếu nữ Tày trong trang phục áo chàm truyền thống múa quạt phục vụ du khách. Ảnh: Hoàng Thấm

"Trong việc tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi đang cố gắng hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Xung quanh hồ Ba Bể có 4 thôn gồm: Bó Lù, Cốc Tộc, Nặm Dài, Bản Cám rất nhiều tiềm năng".

Ông Hoàng Minh Thư -

Trưởng Phòng Quản lý Du lịch và Di sản,

Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn

Mục tiêu đề ra từ năm 2021-2025 phấn đấu làm sao đưa hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các hoạt động du lịch.

Ví dụ như có cơ chế bảo tồn những nếp nhà sàn, bảo tồn những trò diễn dân gian.… Ngoài ra, thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa dân gian của người Tày như hát Then đàn tính, múa bát, múa chầu, múa quạt hoặc những trò diễn dân gian nghi lễ của người Tày, người Dao…

"Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng. Chúng tôi tính đến cả những quà lưu niệm cho khách du lịch. Hoạt động trải nghiệm hiện còn khá ít, du lịch hiện chủ yếu mới chỉ là nghỉ dưỡng.

Trong việc tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi đang cố gắng hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Xung quanh hồ Ba Bể có 4 thôn gồm: Bó Lù, Cốc Tộc, Nặm Dài, Bản Cám rất nhiều tiềm năng. Khách đến muốn trải nghiệm nếp nhà sàn của người Tày, được tham gia làm bánh như bánh trời, bánh giầy, cơm lam… ngoài việc đi xuồng trên mặt hồ thì việc tham gia các hoạt động trải nghiệm luôn được du khách quan tâm. Chúng tôi cho rằng, cần khai thác những câu chuyện gắn với du lịch hồ Ba Bể, ví dụ sự tích Ao Tiên, sự tích hồ Ba Bể, động Puông, động Hua Mạ… Nếu thực hiện triển khai thành các chương trình nghệ thuật, xây dựng thành các vở diễn phục vụ du khách sẽ quảng bá được tốt hơn"- ông Thư chia sẻ.

Đầu tư cho Ba Bể

Ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đặc biệt là quần thể du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện và hoàn thành dự án mở rộng, nâng cấp đường ĐT 254 với thiết kế tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, dài gần 40km.

Dự án ĐT 254 đã tạo mạng lưới giao thông liên hoàn Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng, kết nối hoàn chỉnh đường du lịch ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ thực hiện xây dựng tuyến đường nối TP.Bắc Kạn - Ba Bể. Đây là tuyến đường kết nối ngắn nhất từ TP.Bắc Kạn đến hồ Ba Bể, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh, nhất là du lịch hồ Ba Bể.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần cải thiện mạng lưới giao thông, hình thành tuyến kết nối liên vùng, khai thác tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Bắc Kạn chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể với tổng kinh phí 185 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch hồ Ba Bể. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem