Có lẽ khi đề cập đến những ký ức tuổi thơ, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thường ấn tượng với những âm thanh dịu dàng đến sâu lắng. Đó có thể là tiếng ve sầu báo hiệu một mùa hè sắp sang hoặc thanh âm trong vắt của những dòng suối nằm sâu trong khu rừng đại ngàn. Riêng tôi, âm thanh ấn tượng suốt chiều dài ký ức đó là tiếng mõ trâu, một thứ âm thanh tưởng chừng như bình dị nhưng lại vô cùng thân thương trong tâm trí những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn.
Ấn tượng lớn nhất trong khoảng đời tuổi thơ của tôi là hình ảnh ông ngoại ngồi an tĩnh dưới gốc cây mít sau nhà, tỉ mỉ chuốt từng thanh gỗ, đục từng ống tre già để làm cho bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một chiếc mõ trâu. Đứa trẻ là tôi khi ấy đã hân hoan vô kể khi đeo vào người chiếc mõ trâu ông vừa làm rồi bắt chước điệu bộ ngúc nga ngúc ngắc cái đầu của bọn trâu trong nhà, miệng thì kêu "nghé ọ…", chân cứ thế chạy loanh quanh từ gốc cây này sang bụi hoa khác. Nhìn thấy dáng điệu hài hước của tôi, cả ông ngoại và mấy anh chị em trong nhà không khỏi bật cười nghiêng ngả. Những buổi trưa hè êm đềm nơi khoảng sân nhà đầy ắp tiếng cười hòa cùng tiếng mõ trâu lóc cóc, kỳ lạ thay, đã trở thành một âm thanh vô cùng trong trẻo trong lòng tôi.
Rồi cả những buổi chiều tà, khi ánh hoàng hôn dần buông, bọn trẻ lại ngóng trông tiếng mõ trâu lóc cóc từ đường làng ngoài xa vọng về. Đó là tín hiệu cho tôi biết rằng mẹ đã quay trở về sau buổi chợ chiều. Niềm vui của những đứa trẻ nông thôn khi ra đón mẹ về chỉ đơn thuần gói trọn trong vài miếng bánh, mấy chùm quả căng mọng. Bọn tôi cứ thế xòe tay đón lấy trong niềm hân hoan rồi chạy ra sau nhà, cùng nhau quây quần thưởng thức.
Dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của những đứa trẻ miền núi như tôi có lẽ chính là thời điểm được bố mẹ giao cho nhiệm vụ chăm sóc và chăn thả đàn trâu của gia đình. Cũng bởi, với những đứa trẻ quanh năm sống trong nhà như chúng tôi, việc được đồng hành cùng đàn trâu đã mở ra một thế giới bạt ngàn niềm vui. Đó là những cánh rừng với màu xanh bạt ngàn của cỏ cây hoa lá xen lẫn màu tim tím của những cánh rừng hoa sim, hương thơm thoang thoảng của những quả vải rừng, những cây dổi chua vàng ruộm đầy cám dỗ. Càng đi sâu vào cánh rừng, chúng tôi lại càng mê mẩn với tiếng chim véo von chuyền cành, tiếng thì thào của những dòng suối mát trong. Mãi cho đến tận khi trưởng thành, bản thân tôi khi nhớ đến kỷ niệm xưa vẫn thường ngẩn ngơ vì một thế giới kỳ bí mà tuổi thơ chúng tôi chưa bao giờ khám phá hết.
Một ngày của những đứa trẻ chăn trâu thường bắt đầu từ lúc tinh mơ sáng. Chúng tôi thường thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, vội vã ăn nhanh chén cháo ngô hoặc ít bánh bao chay mẹ chuẩn bị sẵn rồi ngồi chờ tiếng í ới gọi nhau của lũ bạn, liền nhanh nhảu mở chuồng trâu dắt bọn nó ra rừng. Bọn trẻ con cứ thế vác mõ, lững thững đi cạnh nhau, đằng sau bóng lưng gầy gò là những túi vải nhỏ mà bên trong chỉ toàn cơm nguội, ít muối ớt hoặc nước mắm.
Mặc dù thức ăn giản đơn nhưng cả bọn không ai sợ bị đói. Cũng bởi, chúng tôi có thể thay nhau đi tìm vài thức quả rừng hoặc những món ăn vặt dân dã. Những ngày mùa hè, khi cây trái bừng nở khắp nơi, lúc đàn trâu chăm chú gặm những miếng cỏ đầu tiên cũng là lúc chúng tôi tranh nhau chia những quả dúi vàng chua thanh hoặc những trái múi dẻ vỏ mỏng tanh nhưng vị ngọt vô kể. Đến buổi trưa, chúng tôi mang ra ít cơm nguội, quây quần ngồi cùng nhau trong cái lều vải cả bọn tự chế. Sau đó, mấy thằng con trai sẽ đi hái trộm ít mướp hay bầu về nấu canh. Bọn trẻ nhỏ hơn sẽ tranh thủ đi tìm nhánh cây khô về làm củi, đứa thì ra dòng suối trong vắt ngoài rừng xách về ít nước sạch. Bọn trẻ lớn hơn, rành rẽ việc bơi lội, sẽ tranh thủ xuống sông mò con ốc, bắt thêm ít tôm cá để bổ sung chất dinh dưỡng cho nồi canh.
Nồi canh nổi bồng bềnh vài con tép, con tôm với mấy miếng mướp, bầu được nấu rất "dã chiến" nhưng lại khiến bọn nhỏ chúng tôi háo hức đến lạ kỳ. Sau một hồi cặm cụi thổi lửa, nêm nếm, mỗi đứa cũng được chia một ít canh đựng trong bát gỗ. Dù chỉ có nắm cơm chấm nước mắm trơn ăn với muỗng canh nhạt nhưng đứa nào cũng thích thú vô kể. Ngẫm lại cũng thật lạ, những thứ ấy đôi khi ở nhà có đứa không thèm ăn vậy mà khi dắt trâu ra cánh rừng này lại tranh nhau lượm từng hạt cơm dính, húp từng miếng canh đến tận đáy nồi.
Sau bữa cơm trưa no nê, lũ trẻ chúng tôi, mỗi đứa thường tự cho phép mình được thong dong trên lưng con trâu đầu đàn của nhà mình len lỏi đi dọc theo những lối mòn trên những dốc nhỏ ven triền núi, hít hà hương hoa dẻ thơm ngát mọc ven các cánh rừng. Quãng đường nhỏ nhưng nhiều dốc khiến cho những chiếc mõ đeo trên cổ mấy chú trâu mũm mĩm cứ vang lên từng âm thanh rộn ràng xao động. Vốn có nhiều kinh nghiệm nên lũ trẻ chúng tôi chỉ cần kéo nhẹ dây thừng ghìm chân những con trâu đầu đàn trước đồi cỏ xanh mênh mang, là y như rằng cả đàn sẽ dừng lại để gặm cỏ. Khi tiếng gặm cỏ bắt đầu vang lên rào rào, tiếng mõ trâu lốc cốc, lốc cốc đều đặn khắp không gian cũng là thời điểm cuộc vui của chúng tôi bắt đầu.
Tuổi thơ hiếu động nên những giây phút được tự do rong chơi quanh những đồng cỏ xanh rì là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày. Chẳng biết đã có bao nhiêu bụi sim rừng đã nát nhàu dưới chân bọn tôi sau những trò chơi đánh trận giả bằng cỏ lau. Rồi cũng không biết có bao nhiêu khóm măng rừng đã bị đào bới lên một cách vô tội vạ khi chúng tôi nổi hứng len lỏi theo dấu những hàng tre. Đôi lần, do mải mê đùa vui, chúng tôi cứ thế chạy tán loạn để chọc phá tổ ong để rồi bị bầy ong truy đuổi, hay những thời điểm mải mê ngủ trưa dưới một tán cây rừng nào đó mà chúng tôi lỡ để lạc mất tiếng mõ, vốn là thứ âm thanh quen thuộc ấy để rồi niềm vui lại vỡ òa khi chợt nhận ra từ xa xa đâu đó những tiếng lốc cốc thân thương vẫn đang dội về.
Lại có những hôm khi đang say sưa với trò chơi đá gà bỗng đâu bị âm thanh từ chiếc mõ trâu thường ngày ấy bắt buộc tạm dừng. Bọn trâu thi thoảng cũng bất hoà dẫn đến xô xát khiến những chiếc mõ rung lên từng nhịp rồi một tiếng kêu thất thanh "trâu đánh nhau rồi" khiến cả bọn chúng tôi dáo dác chạy về phía dàn nhạc mõ đang tấu lên từng hồi. Để rồi cả bọn phải xông vào ngăn cản mãi cho đến khi hai con trâu rời khỏi nhau cũng là lúc mặt mũi cả bọn trở nên gay gắt, lấm lem mồ hôi, trông hài hước vô cùng. Rồi có cả những lúc bọn trâu nổi hứng chạy loanh quanh cánh đồng khiến chúng tôi vắt chân lên cổ chạy đi tìm, chỉ lo lắng rằng nó đi lạc hoặc ăn nông sản của người ta trồng thì mông sẽ sưng vù.
Tuổi thơ của những đứa trẻ quê cứ thế thong thả trôi qua với những buổi chiều chăn trâu cùng chúng bạn khoan thai đi dạo, thấy lòng mình bình yên giữa cánh đồng bao la mây trời. Đàn trâu cứ thế thong dong gặm cỏ giữa cánh đồng, chúng tôi nhàn rỗi hơn sẽ rủ nhau cùng chơi đùa. Chăn trâu đương nhiên là việc quan trọng cả bọn phải làm, nhưng với tuổi thơ chúng tôi đó còn là cả một khoảng thời gian đầy ắp những niềm vui. Không vui sướng sao được khi chúng tôi có thể thoả thích đùa giỡn bên bạn bè, tự do thưởng thức các sản vật của sông ngòi, của những cánh rừng, được tận hưởng trọn vẹn một tuổi thơ đúng nghĩa. Mãi cho đến khi trưởng thành, những ngày tháng được thong dong cùng tiếng mõ trâu cùng chúng bạn, vẫn là một kỷ niệm khó quên trong lòng tôi, đúng như lời thơ của Giang Nam:
"Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao…"
Để rồi khi chiều dần buông với những tia nắng nhạt dần nơi cuối trời, cũng là thời điểm bọn trẻ thong thả trở về trên lưng trâu. Trong những phút giây mỏi mệt ấy, tôi nghe cả tiếng mõ vang lên đều đều theo nhịp chân bước, có tiếng suối róc rách hòa vang với tiếng lá reo xào xạc cùng tiếng cười giòn tan của lũ trẻ chăn trâu hòa vào trong gió.
Nhiều năm trôi qua, bản thân cứ thế mải miết xoay vòng với dòng đời hối hả, đi lang thang qua biết bao vùng đất, lắng nghe biết bao thứ âm thanh rộn rã giữa cuộc đời. Dù thế, giữa trăm ngàn thứ tạp âm ấy, tiếng mõ trâu đơn thuần nhưng dạt dào cảm xúc vẫn luôn ngân lên trong tiềm thức, khiến bản thân trong phút chốc chỉ muốn quay ngược thời gian trở lại những năm tháng tuổi thơ đầy ngọt ngào.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.