Kể chuyện làng: Mùa gió Lào man mác

Trúc Nguyễn Thứ tư, ngày 03/04/2024 13:57 PM (GMT+7)
Gió về. Những cơn gió từ dãy Trường Sơn thổi chút mơn man trong vạt nắng hanh hao. Hơi ẩm giữ lại phía sườn tây, đến sườn đông chỉ còn cái nóng rẫy.
Bình luận 0

Gió mới ghé ngoài đồng đã tung tẩy réo gọi đám mạ xào xạc. Lá khô hai bên đường làng cuộn theo mớ bụi, quấn tròn bay lên.

Kể chuyện làng: Mùa gió Lào man mác- Ảnh 1.

Những cánh diều bay cao từ cơn gió Lào. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Mùa này, đất miền Trung cứ lưng chừng trong cái thời tiết ẩm ương. Nắng cháy rát da, hắt nóng từ mấy con đường nhựa. Chốc lát lại bốc cơn gió Lào, chẳng phải mát rượi, nhưng cũng đủ cuốn bay vài ba sợi tóc lòa xòa, như cái điều hòa không khí di động. Gió mới đầu thoang thoảng, hắt vài hơi nóng. Lúc sau đã thổi ầm ầm, đập cót két vào mái tôn sau bếp. Bụi nhuộm trắng mịt mấy khóm cây ven đường, hoen mắt người đi lại. Vài ba bác nông dân cố nheo mắt rụt vai, khom lưng in bóng dài trên những cánh đồng lúa đang độ trổ đòng. Lúa xanh mướt ngả nghiêng theo chiều gió, kêu rào rạt vui tai.

Kể chuyện làng: Mùa gió Lào man mác- Ảnh 2.

Gió Lào về trên cánh đồng bông lau. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mỗi đợt gió Lào về, làng quê lại có thêm những thú vui con trẻ. Bọn nhỏ rủ nhau lấy giấy trong cuốn tập, xếp mấy con diều trắng đuôi dài bằng nhiều cuộn tròn nối liền, cột vào ống chỉ. Chạy ra đồng trên những khoảng triền đê, đợi gió lên rồi tung tăng thả diều bay cao tít. Gió Lào thổi vù vù mấy cánh diều bằng giấy, chẳng mấy chốc mà lững lờ giữa cái xanh mướt của thiên không. Lũ trẻ hò hét giữ dây, ngửa cổ ngắm mãi chẳng biết mỏi. Vài đứa nghịch ngợm hơn, lén tuốt vài đòng lúa, bỏ vào miệng nhai chóp chép. Lúa chưa phun thuốc, còn giữ vị ngọt thanh sạch sẽ. Qua hết cái hè, đứa nào cũng đen nhem đen nhẻm, còn mỗi đôi mắt là sáng như đèn pha. Ngày cứ trôi nhanh trên những cánh đồng vào mùa gió Lào man mác.

Khác với bọn nhỏ, người lớn chẳng chịu nổi cái bỏng rát của gió Lào. Mồ hôi muối đọng thành mảng trên lưng áo của ba mẹ sau những trưa đi nhổ đậu phộng (lạc) ngoài bãi. Gió táp vào mặt ba mẹ nóng hổi, đỏ ưng ửng. Thời ấy có mấy ai biết dùng kem chống nắng để thoa. Qua mấy mùa nắng gió ngoài đồng, đã tìm không ra màu da vốn có. Ai chưa biết thì nói dân quê đen đúa. Chứ ngó mấy đứa nhỏ đi học xa mới về, da dẻ đứa nào cũng trắng hồng hây hẩy. Nhiều khi nghĩ, nếu ba mẹ chẳng phải cắm mặt xuống đất, chống lưng che trời trong những mùa gió Lào nóng rẫy, thì cái khô nẻ hằn thành vết nhăn trên trán, trên tay sẽ bớt đi nhiều lắm.

Kể chuyện làng: Mùa gió Lào man mác- Ảnh 3.

Gió Lào nóng rẫy mồ hôi của người nông dân. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Mấy nhà lụp xụp mái tôn thấp, mùa gió Lào chẳng khác gì cái phòng xông hơi. Gió càng thổi càng nóng. Cái nóng cứ như thấm ra từ bên trong, từ cái máu cái thịt đâu đó sâu hun hút, nên người cứ bứt rứt khó tả. Ngoài đường đất trước nhà, thỉnh thoảng lại vang vài tiếng rao đậu non tàu hũ. Bà bán hàng gánh thúng trên hai đôi quang trành, bước chầm chậm dưới nắng. Vài đứa xin được mấy ngàn từ ba mẹ, ríu rít chạy ra mua. Khoảng sân của nhà nào gần đó liền được bà bán đậu trưng dụng làm nơi thưởng thức cái món giải nhiệt ngày hè cho lũ nhỏ. Gió Lào thỉnh thoảng thổi qua lao xao, phớt nhẹ lên nụ cười của bọn trẻ đang chóp chép ăn mấy miếng tàu hũ non mềm.

Gió Lào hun nóng. Vậy mà tôi lại ưa cái loại gió này. Chẳng hiểu sao, cứ ngồi trước hiên, nheo mắt nhìn nắng xuyên qua tán lá, đón mấy ngọn gió Lào thổi qua, người cứ như chìm vào hoài niệm. Cái man mác buồn của loại gió này cứ như muốn nhấn mình ngập trong nỗi nhớ vô định nào đấy. Mớ không khí chuyển động tạo thành gió, kỳ lạ, lại mang trong đó cả những cảm xúc - thứ mà người ta chẳng thể dùng mắt để nhìn. Gió Lào thổi qua cánh đồng, đi ngang đường làng, phớt lên má ba mẹ, làm bay cao cánh diều bọn trẻ. Nó cứ thế cuốn theo kỷ niệm, tràn vô mọi ngóc ngách, làm người ta chẳng cách nào quên.

Ngoài hiên, tôi nghe lá xôn xao. Mùa gió Lào đã về.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem