Dân Việt

Một khu rừng đẹp như phim toàn gỗ quý ở Mù Cang Chải của Yên Bái, người Mông đang làm du lịch

Hoàng Hữu 15/04/2024 11:34 GMT+7
Pơ Mu là một trong những loại gỗ quý thường mọc ở độ cao trên 1.000m, hiện nay số lượng cây còn không nhiều, để bảo tồn và phát triển cây Pơmu, chính quyền huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã vào cuộc đồng hành cùng nhân dân bảo vệ, phát triển du lịch.

Đồi cây Pơmu của chung, dân bản cùng quản lý

Đồi cây Pơ mu ngay sau khu dân cư của bản Cáng Dông (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có gần 70 cây, chưa kể cây con, đã được bao thế hệ người Mông nơi đây bảo vệ. 

Ông Giàng Sang Phàng đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông cũng không biết tuổi của những cây to trên đồi Pơmu này, ông chỉ nhớ tuổi thơ ông và bạn bè cùng trang lứa đã gắn liền với những cây Pơmu sừng sững trên.

"Tôi cũng không biết cây Pơmu trên đồi này đã bao nhiêu tuổi vì từ lúc tôi 11, 12 tuổi đã có nhiều cây to hơn bắp đùi người lớn, dù chưa nhiều như hiện nay và giờ tôi đã ngoài 60 nên chắc số cây Pơmu này có nhiều cây phải trên trăm tuổi hoặc hơn thế", ông Phàng nói.

Ông Phàng cho biết thêm "Trong thời gian qua để bảo vệ số cây này bản chúng tôi không giao cho hộ gia đình hay cá nhân nào mà quy nó là của chung do dân bản quản lý, cấm không cho ai chặt hay khai thác, ai vi phạm sẽ phạt nặng nên số cây luôn được bảo vệ và phát triển như hiện nay".

Một khu rừng đẹp như phim toàn gỗ quý ở Mù Cang Chải của Yên Bái, người Mông đang làm du lịch- Ảnh 1.

Đồi Pơmu quý với trên 70 cây to và nhiều cây con của bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang được bà con người Mông nơi đây gìn giữ, phát triển. Ảnh: Hoàng Hữu.

Cũng theo ông Phàng, cùng với sự phát triển về dân số thì nhu cầu về gỗ của con người ngày càng cao. Nhưng với quyết tâm gìn giữ cho thế hệ mai sau, bản Cáng Dông luôn quan tâm đến việc phát quang, dọn dẹp và quản lý.

Cùng với đó những người cao tuổi như ông Phàng trong các buổi họp bản luôn chủ động tuyên truyền cho con cháu tham gia bảo vệ và gìn giữ, đây cũng là biện pháp bảo vệ cây Pơmu nói riêng và diện tích rừng của bản nói chung.

"Tôi thấy hiện nay số lượng cây Pơmu ở rừng đã rất ít nên sợ về sau con cháu sẽ không biết về loại cây này, tôi chỉ mong người dân bản cũng như các cấp chính quyền cùng chung sức rào lại để bảo vệ cây và thảm thực vật trong đồi cây này để tạo cảnh quan thu hút khách đến thăm quan, cũng như gìn giữ cho thế hệ sau biết về loại cây này", ông Phàng chia sẻ thêm.

Một khu rừng đẹp như phim toàn gỗ quý ở Mù Cang Chải của Yên Bái, người Mông đang làm du lịch- Ảnh 2.

Hiện ở Cáng Dông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có những cây Pơmu to 1 người ôm không hết có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm, rất quý hiếm. Ảnh: Hoàng Hữu.

Chính quyền vào cuộc đồng hành cùng dân bản bảo vệ, phát triển du lịch đồi cây Pơmu

Nậm Khắt là xã nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, chia sẻ với PV Dân Việt, lãnh đạo xã khẳng định, trong những năm qua đội ngũ cán bộ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và huy động các lực lượng tham gia bảo vệ và phát triển cây Pơmu cùng diện tích rừng hiện có.

Đặc biệt là thế hệ trẻ, Ban chấp hành đoàn xã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở đoàn tập trung chỉ đạo đoàn viên thanh niên phối hợp với các tổ chức khác cũng như nhân dân làm tốt công tác bảo vệ cây Pơmu, trong đó có đồi cây của bản Cáng Dông.

Anh Sùng A Giàng, Bí thư đoàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho hay: "Chúng tôi có kịch bản chi tiết, sẽ giao cho Chi đoàn bản Cáng Dông thành lập tổ hợp tác để vận hành, tu sửa đường và bảo vệ đồi Pơmu đồng thời dựng các nhà chòi, các điểm "check in" để phát triển du lịch. 

Tuy nhiên hiện nay đường lên đồi Pơmu chưa được đổ bê tông nên du khách đi lại còn khó khăn. Năm 2024 này chúng tôi phấn đấu sẽ đổ bê tông đường lên đồi Pơmu với chiều rộng 1m chiều dài khoảng 1km để du khách thuận lợi cho việc đi lại".

Một khu rừng đẹp như phim toàn gỗ quý ở Mù Cang Chải của Yên Bái, người Mông đang làm du lịch- Ảnh 3.

Để phát huy lợi thế khu rừng gỗ Pơmu quý hiếm, đoàn thanh niên của xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã tạo hình một số điểm "check in" để thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Hữu.

Ông Lý A Sấu, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Nậm Khắt có vài trăm cây Pơmu trưởng thành nằm giải rác ở các bản, và ngay cạnh nhà hay trong vườn của người dân.

Năm 2023, xã Nậm Khắt đã chỉ đạo các ngành tham gia phối hợp với bản Cáng Dông tập trung phát quang, tu sửa đường đi lên đồi cây Pơmu chính của bản, đây là khu tập trung nhiều cây nhất với gần 70 cây có đường kính trung bình từ 25 đến 50cm. 

Bên cạnh đó cùng với hương ước quy ước của thôn bản, xã cũng đã xây dựng nội quy để bảo vệ và phát triển khu vực đồi cây pơ mu này.

Một khu rừng đẹp như phim toàn gỗ quý ở Mù Cang Chải của Yên Bái, người Mông đang làm du lịch- Ảnh 4.

Pơ Mu là một trong những loại gỗ quý thường mọc ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, hiện nay số lượng cây còn không nhiều, trên địa bàn xã Nậm Khắt chỉ có vài trăm cây nên rất cần được bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Ảnh: Hoàng Hữu.

"Chúng tôi đã đưa vào Nghị quyết của HĐND xã, qua đó xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức họp thôn bản để tuyên truyền cũng như quán triệt cho nhân dân về công tác giữ rừng, đặc biệt đối với cây Pơmu, để tiến tới các bản khác trên địa bàn xã đều có đồi pơmu như bản Cáng Dông này", ông Lý A Sấu nhấn mạnh.

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã Nậm Khắt và sự quyết tâm của bà con nhân dân bản Cáng Dông việc bảo vệ và phát triển rừng nhất là đối với các loại gỗ quý Pơmu của xã nói chung.

Và khu rừng Pơmu của người Mông ở bản Cáng Dông nói riêng sẽ ngày càng phát triển, góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển cây Pơmu. Hướng tới phát triển du lịch xanh trên địa bàn xã và toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) tiếp giáp với các xã Cao Phạ, Púng Luông, Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải và xã Ngọc Chiến (huyện Mường La tỉnh Sơn La).

Xã Nậm Khắt địa phương có gần 8.000 ha diện tích rừng và là vùng đệm của Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh của huyện Mù Cang Chải, lại được thiên nhiên ưu ái với khí hậu mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho nhiều loại cây gỗ quý phát triển, trong đó có cây Pơmu.