Nghệ An: 50 cây pơmu hàng chục tuổi bị chặt hạ

Linh Linh Thứ năm, ngày 28/08/2014 07:17 AM (GMT+7)
Cuối tháng 7, hơn 50 gốc cây pơmu nguyên sinh (ước tính hơn 150m3 gỗ) của rừng phòng hộ khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) bị lâm tặc đốn hạ, nhưng lực lượng chức năng không hề hay biết. 
Bình luận 0

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, vụ việc lâm tặc đốn hạ hơn 50 gốc gỗ pơmu nguyên sinh xảy ra vào cuối tháng 7, đến đầu tháng 8. Sau đó, 2 kiểm lâm địa bàn là anh Hoàng Minh Ngọc và Nguyễn Văn Cường đi tuần tra rừng phòng hộ khu vực biên giới theo định kỳ thì phát hiện.

Hiện trường xảy ra vụ việc chỉ cách trụ sở UBND xã Tam Hợp chừng hơn 2km. Cụ thể, lâm tặc đã đốn hạ các cây pơmu hàng chục năm tuổi ở các điểm thuộc lô 3, khoảnh 6 và lô 3, khoảnh 10 thuộc tiểu khu 704; lô 1, khoảnh 10 tiểu khu 700.

Số gỗ bị chặt phá nói trên theo tìm hiểu của phóng viên hầu hết là gỗ pơmu nhóm IIA (thuộc chủng loại gỗ quý hiếm) và một ít cây gỗ giổi nhóm III. Trong số các cây pơmu bị đốn hạ, có nhiều cây đã bị lâm tặc xẻ thành thanh để dễ dàng vẫn chuyển. Tổng khối lượng gỗ pơmu bị chặt phá là 156,768m3.

Được biết, khu vực rừng bị chặt phá này do Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý, bảo vệ.

Trao đổi với NTNN, ông Võ Sỹ Lâm – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương cho hay: “Vụ việc đang được các cơ quan chức năng, gồm Công an huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ và Kiểm lâm huyện phối hợp điều tra xử lý. Hiện tôi cũng chưa thể cung cấp thông tin vì đang trong giai đoạn điều tra…”.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Công an huyện Tương Dương đã bước đầu xác định được có 4 nhóm người liên quan đến việc chặt phá rừng phòng hộ kể trên, đa số là người dân tộc Mông thuộc xã Tam Hợp. Công an cũng đã triệu tập 3 đối tượng và đã có 2 người tự khai nhận đã chặt hạ 27/50 cây pơmu ở địa phận tiểu khu 704.

Được biết, đây là vụ chặt phá rừng có tổ chức, quy mô, có đối tượng cầm đầu nên lực lượng chức năng huyện Tương Dương đang nỗ lực điều tra, xác minh các đối tượng để nghiêm trị trước pháp luật.

“Đây là vụ việc nhạy cảm, bởi địa bàn xảy ra vụ chặt phá rừng là địa phận giáp ranh với nước bạn Lào, những người tham gia chặt phá lại chủ yếu là người Mông nên cần phải có thời gian để truy tìm các đối tượng…” - ông Võ Sỹ Lâm cho biết thêm.

Một lãnh đạo địa phương cho biết, với số lượng gỗ pơmu bị đốn hạ kể trên, cơ quan chức năng có đủ cơ sở xem xét khởi tố vụ án và làm rõ trách nhiệm những ai liên quan.

  Đã gần 1 tháng kể từ khi phát hiện vụ việc, hơn 150m3 gỗ pơmu bị chặt phá vẫn còn nằm ở trong rừng, dù đã được kiểm đếm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem