Dân Việt

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

Nhóm PV Điều tra 19/04/2024 11:28 GMT+7
Tài nguyên khoáng sản (đất) trên địa bàn nhiều xã thuộc huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) bị khai thác lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép. Hiện trường còn lại những quả đồi bị san phẳng, đường sá hư hỏng, ô nhiễm bụi bẩn, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.

LTS: Với những người khai thác đất lậu, mỗi giao dịch trót lọt có thể đút túi cả tỷ đồng. Nguồn lợi bất chính lớn, hoạt động khai thác đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) diễn ra cả ngày lẫn đêm. 

Nhóm Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã dành nhiều thời gian xâm nhập, phanh phui mánh khóe của những "ông trùm" trong đường dây khai thác đất trái phép. Đồng thời nêu lên những dấu hiệu làm ngơ của chính quyền địa phương để các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý.

Bài 1: Tài nguyên khoáng sản quốc gia bị đánh cắp

Hàng chục quả đồi bị san gạt, múc đất vận chuyển bằng xe tải đến nơi tiêu thụ, nhằm thu lợi bất chính, tư túi cá nhân. Hành vi khai thác đất lậu diễn ra khá phổ biến ở các xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn, Bắc Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 1.

Một điểm khai thác đất trái phép đang hoạt động bên cạnh một quả đồi đã bị san phẳng tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Việc khai thác đất trái phép tại đây diễn ra cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Dân Việt

Nham nhở những "vết thương" trên đồi

Như bao ngày khác, sáng 2/3/2024 bà D cầm chiếc chổi tre vung tay quét những lớp đất đỏ vương vãi trước sân nhà ven tuyến đường Hồng Kỳ - Bắc Sơn. Cả đêm qua xe tải chở đất di chuyển rơi vãi đất xuống đường. Nếu không dọn sạch sớm, nắng lên đất khô thành bụi đỏ bay vào nhà.

Chỉ tay vào nhà mình, bà D nói: "Rơi vãi quá nhiều, không ai ý kiến gì, mình chỉ sáng dậy quét và chửi nó thôi". Theo bà D, đã nhiều tháng nay, hầu như đêm nào cũng vậy, từ 21 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau là xe chở đất ầm ầm qua trước cửa nhà bà.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 2.

Xe tải chở đất đi qua khu vực đông dân cư tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Đối diện nhà bà D, anh Q cầm chiếc vòi nước có hỗ trợ tăng áp phun xuống lòng đường nhựa để đánh tan lớp đất đỏ bị xe tải di chuyển qua chèn nén xuống mặt đường.

"Chú cứ đứng đây lúc sẽ thấy xe chở đất đi ra, bình thường toàn chạy đêm, ngày thì lác đác" – anh Q vừa dứt lời, từ phía xa một chiếc ô tô tải xuất hiện. 

"Xe đất đấy, chính nó, chạy từ trong xã Bắc Sơn ra. Toàn xúc đất trộm trên đồi trong ngõ, xóm" – Anh Q chỉ tay theo chiếc xe ô tô tải chở đầy đất cao quá thành thùng phóng vù qua trước mặt chúng tôi, gió cuốn bụi đất bay lên.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 3.

Xe chở đất chưa được che chắn cẩn thận khi di chuyển trên đường tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Chiều 2/3, chúng tôi phát hiện điểm khai thác đất trái phép thuộc thôn 2, xã Hồng Kỳ. Trên khu đất vừa bị khai thác có tấm biển trắng ghi dòng chữ đỏ "Ban quản lý Rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, không phận sự miễn vào". Cả khu vực rộng hàng nghìn mét vuông đã bị máy móc khai thác đất trái phép múc đến đỉnh đồi, taluy cao khoảng 5m.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 4.

Nhiều dấu vết khai thác đất trái phép cũ và mới trên địa bàn thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Dân Việt

Trong quá trình điều tra, thâm nhập thực tế nhiều tháng gần đây, hàng chục quả đồi đã bị các đối tượng xúc trộm chở đi bán ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh. Việc làm này khiến hai xã Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) nhìn từ trên cao loang lổ những "vết thương" đỏ au như đang chảy máu trên "lớp da" xanh nhiều cây rừng.

Cách tuyến đường chính Hồng Kỳ - Bắc Sơn khoảng vài trăm mét, cứ có lối ô tô di chuyển từ đường bê tông vào đường đất là điểm đó có hiện tượng khai thác đất trái phép. Được biết, để xảy ra tình trạng này,  UBND huyện Sóc Sơn đã phê bình Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ vì không ngăn chặn kịp thời, triệt để.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 5.

Điểm khai thác đất trái phép tại thôn Tiên Chu, xã Bắc Sơn, nhiều xe tải đang chờ đến lượt lấy đất chở đi nơi khác. Ảnh: Dân Việt

Còn tại xã giáp ranh với Hồng Kỳ là Bắc Sơn, nơi đây đất đồi bị khai thác tràn lan hơn. Hầu hết các quả đồi ở thôn Lai Sơn đã bị tác động của máy xúc múc đất di chuyển đi nơi khác, có những ngọn đồi đã bị san phẳng, dấu vết khai thác đất trái phép hiện rõ.

Để có cái nhìn rộng hơn, nhóm phóng viên sử dụng thiết bị bay flycam quan sát trên cao, những vệt nâu, đỏ xuất hiện rất nhiều trong khuôn hình của ống kính máy quay.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến ngõ Núi Voi, thôn Đô Lương, giáp với địa phận của xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nơi đây từng một thời là "điểm nóng" khai thác đất trái phép. 

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 6.

Những đồi đất xung quanh chùa Thanh Mai, thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn đã bị khai thác, san gạt. Ảnh: Dân Việt

Tại đây còn dấu vết hàng chục điểm khai thác đất, san gạt trái phép. Đáng chú ý là khu vực xung quanh chùa Thanh Mai đất đồi bị khai thác đem đi nơi khác, ngôi chùa nằm lọt thỏm trên đỉnh. Cạnh cổng chùa, một điểm san gạt đất có máy xúc đang đứng, trên đồi, cây bạch đàn đang được dọn sạch để lấy mặt bằng múc đất.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại các thôn Đô Lương, Tiên Chu, Lai Sơn, Đô Hội, Phúc Xuân, Thanh Sơn thuộc xã Bắc Sơn là những nơi xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép nhiều. Thời điểm đầu tháng 4/2024 "điểm nóng" khai thác là thôn Tiên Chu với nhiều nơi khai thác cả ngày lẫn đêm.

Những hành vi vi khai thác đất trái phép đã được phóng viên Báo điện tử Dân Việt ghi hình.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 7.

Hậu quả của hoạt động khai thác đất trái phép khiến nhiều quả đồi ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bị đào xới nham nhở. Ảnh: Dân Việt

Hành trình nhiều lần xuyên đêm theo "dấu chân" đất lậu

Sau khi ghi nhận những hình ảnh khai thác đất đồi trái phép đem bán, nhóm phóng viên đã dành nhiều ngày đêm để theo chân những chiếc xe tải chở đất đi tiêu thụ. 

Chiều 2/3/2024, các xe tải BKS 29H-758.39; 29C-989.04; 29H-824.52 chở đầy đất, che chắn sơ sài di chuyển trên đường, tối cùng ngày phóng viên tiếp tục ghi nhận chiếc xe này chở đất lậu đến đổ tại dự án thuộc xã Vân Nội, huyện Đông Anh lúc 22 giờ 34 phút.

Đầu giờ chiều ngày 3/3 phóng viên ghi nhận các xe tải BKS 89C- 064.57; 24C 139.28; 24C -014.71; 29K - 07076 chở đất từ xã Bắc Sơn đi tiêu thụ. Trong quá trình ghi nhận, xe của phóng viên bị chiếc xe ô tô 4 chỗ nhãn hiệu Toyota BKS 30U-7341 phanh gấp phía trước ngăn không cho xe chúng tôi di chuyển theo xe chở đất mang BKS 36C-393.50.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 9.

Trong những ngày Nhóm phóng viên có mặt tại huyện tuyến đường Hồng Kỳ - Bắc Sơn mỗi ngày ghi nhận hàng trăm xe tải chở đất như thế này đi tiêu thụ. Ảnh: Dân Việt

21 giờ 47 phút ngày 3/3 khi chúng tôi đang ghi nhận xe tải BKS 98C-107.48 chở đất trái phép tại khu vực chùa Thanh Mai, thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, chiếc xe mazda màu đỏ BKS 30H-553.90 đã chặn đầu xe chúng tôi không cho di chuyển. Phải rất vất vả chúng tôi thoát được.

Nhóm phóng viên rời thôn Đô Lương đến thôn Phúc Xuân, lúc 22 giờ 37 phút ghi nhận 2 chiếc máy xúc và ít nhất 5 xe tải đang khai thác đất trái phép. Phát hiện bị ghi hình từ trên cao, người cảnh giác chiếu đèn báo hiệu cho phương tiện di chuyển và tắt đèn lẩn trốn trong đêm. Liên tiếp các tối 10/3 và 17/3 phóng viên nghi nhận nhiều xe tải chở đất đi tiêu thụ trái phép.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 10.

Tối 3/3 Nhóm phóng viên ghi nhận 4 chiếc xe tải loại 8 tấn cùng 2 máy xúc đang khai thác đất trái phép tại thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, theo chân đoàn xe này cho thấy đất được chở đến đổ tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Dân Việt

Khoảng 17 giờ chiều ngày 5/4, nhóm phóng viên trở lại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, chứng kiến đoàn xe tải chở đất có dấu hiệu quá khổ di chuyển theo đường tỉnh ĐT 35 đến một tuyến đường dân sinh thuộc địa bàn xóm 4, thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn để đổ đất. Ghi nhận của phóng viên có nhiều ụ đất đỏ được đổ dọc theo tuyến đường này.

19 giờ ngày 6/4, nhóm phóng viên đến thôn Tiên Chu, xã Bắc Sơn, phát hiện một chiếc máy xúc và nhiều ô tô tải vào múc đất chở đi nơi khác trong đêm. Di chuyển theo xe chở đất từ thôn Tiên Chu, xã Bắc Sơn đến đổ vào bên trong một khu nhà xưởng tại đường Quang Minh 1, thôn Hương Linh, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, cách quốc lộ 3 khoảng 100m.

Khoảng 30 phút quan sát, chúng tôi ghi nhận các xe tải mang Biển kiểm soát 29C-668.72; 20C-266.03; 29K-011.06; 29C-530.65; 29H-668.09; 29C-878.93; 29H-333.98; 29H-729.41; 29H-481.89; 29C-719.37; 29H-812.77; 29C-438.42; 29H-333.90 chở đất từ điểm đang khai thác tại thôn Tiên Chu đi tiêu thụ.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 11.

Ban đêm xe tải chở đất có dấu hiệu quá khổ không che chắn khi di chuyển qua khu dân cư. Ảnh: Dân Việt

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 12.

Trong quá trình điều tra cho thấy vào ban đêm các xe tải chở đất diễn ra nhiều hơn so với ban ngày. Ảnh: Dân Việt

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 13.

Đất khai thác trái phép tại huyện Sóc Sơn được đổ tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Đến 19 giờ 30 phút, nhóm phóng viên di chuyển lại gần điểm khai thác đất tại thôn Tiên Chu, từ xa ánh đèn máy xúc lấp loáng, từng chiếc ô tô tải chở đất ra khỏi thôn. Khi chúng tôi điều khiển chiếc flycam hạ thấp độ cao xuống khoảng 80m, chiếc ô tô tải đang được xúc đất lên thùng liền nổ máy di chuyển nhanh ra khỏi khu khai thác, máy xúc cũng tắt máy.

Mọi việc khai thác tạm dừng, nhưng chỉ khi xe ô tô của nhóm phóng viên rời xã Bắc Sơn khoảng 30 phút, đỗ ở ven đường đến 20 giờ tối ngày 6/4 chúng tôi tiếp tục ghi nhận các xe chở đất di chuyển hướng Bắc Sơn – Hồng Kỳ mang BKS 29H-403.15; 20C-266.03; 29H-530.65; 29H-481.89; 29C-729.41.

ĐIỀU TRA: Phanh phui đường dây khai thác đất lậu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- Ảnh 14.

Khi phát hiện có người ghi hình, các đối tượng khai thác đất trái phép chiếu ánh đèn vào thiết bị ghi hình từ trên cao rồi nhanh chóng báo cho những người khai thác dừng mọi hoạt động, di chuyển máy móc đi nơi khác. Ảnh: Dân Việt

Với việc khai thác cả ngày lẫn đêm của một nhóm người trong suốt thời gian dài đã khiến nhiều quả đồi ở huyện Sóc Sơn bị san phẳng. 

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo các xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn xác nhận có tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra trên địa bàn.

Ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn) cho biết: "Khi phát hiện các vụ việc khai thác đất đã yêu cầu dừng, tiến hành trồng cây các vị trí đã khai thác. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, đến thời điểm này chưa có cán bộ địa phương nào bị xử lý trách nhiệm liên quan".

Liên quan đến thông tin khai thác đất trái phép trên nhiều địa bàn thôn trong xã Bắc Sơn, ông Đặng Xuân Thụy, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: "Khi phát hiện chúng tôi xử lý ngay, vừa rồi Công an huyện Sóc Sơn đã vào cuộc kiểm tra, phát hiện, tạm giữ nhiều phương tiện khai thác đất trên địa bàn".

Được biết, vừa qua Công an xã Bắc Sơn cũng đã tạm giữ nhiều xe tải chở đất trên địa bàn để xác minh, làm rõ.

Tháng 2/2024, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã giao Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm việc khai thác, hủy hoại đất rừng phòng hộ xảy ra tại thôn 2 xã Hồng Kỳ.

Tuy nhiên, theo những gì nhóm PV ghi nhận được, hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn diễn ra khá công khai, cả ngày lẫn đêm.

Nhiều đối tượng đã bán đất, kiếm tiền từ hành vi vi phạm. Vậy họ đã làm thế nào để qua mắt được lực lượng chức năng, những người có thẩm quyền ở địa phương? Thông tin sẽ được chuyển đến bạn đọc trong kỳ sau của loạt bài.

Khai thác đất trái phép có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất là một loại khoáng sản. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Việc khai thác đất trái phép là hành vi bán khoáng sản (đất) trái phép nhằm thu lợi bất chính, trốn thuế, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Khai thác đất và sử dụng không đúng mục đích thì pháp luật có quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản 2010.

Với chế tài hình sự, hành vi sau khai thác khoáng sản đem bán cho tổ chức, cá nhân khác mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, đối với cá nhân, khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo khoản 1 Điều 227 BLHS; Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 theo quy định tại khoản 2 Điều 227 BLHS. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 227 BLHS.

Đối với pháp nhân thương mại: khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 227 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017; Khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 227 BLHS 2015.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 227 BLHS 2015.

Còn nữa...