Ông Nhâm trình bày, ngày 8/9/2010, vợ chồng ông cho vợ chồng ông Đặng Quang Nức và bà Lương Thị Minh, trú phường Tú Minh, TP Hải Dương vay 400 triệu đồng, thời hạn vay 2 tháng kể từ ngày 8/9/2010.
Để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, hai bên thỏa thuận, vợ chồng ông Nức thế chấp cho vợ chồng ông Nhâm sổ đỏ thửa đất số 180, tờ bản đồ số 9, diện tích hơn 74m2 tại khu Lộ Cương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương.
Ông Nức và bà Minh có trách nhiệm đăng kí giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Hết thời hạn vay nếu hai người này không trả hoặc trả không đầy đủ gốc và lãi, vợ chồng ông Nhâm có quyền phát mại tài sản để đảm bảo thu hồi nợ.
Hợp đồng vay tiền và thế chấp tài sản được lập thành 4 bản và có công chứng của Phòng công chứng số 1 tỉnh Hải Dương nhưng không đăng kí giao dịch đảm bảo theo quy định pháp luật.
Theo ông Nhâm, đến hạn trả tiền, vợ chồng ông Nức tìm mọi cách để khất nợ, tiếp đó là bỏ đi khỏi địa phương một thời gian. Đến khoảng tháng 10/2019, ông trực tiếp đến nhà đòi nợ nhưng vợ chồng ông Nức vẫn không trả. Quá bất lực, ông Nhâm làm đơn kiện con nợ ra tòa.
Tài liệu của PV Dân Việt thể hiện, ngày 31/5/2022, TAND tỉnh Hải Dương đưa vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng thế chấp liên quan vợ chồng ông Nhâm và vợ chồng ông Nức ra xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa, căn cứ lời khai của các đương sự và tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX xác định vợ chồng ông Nức còn nợ vợ chồng ông Nhâm 400 triệu tiền gốc và chưa trả lãi.
Vì thế, tuyên buộc vợ chồng ông Nức phải trả cho vợ chồng ông Nhâm tổng số tiền hơn 807 triệu đồng. Trong đó, tiền gốc 400 triệu đồng, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn 8 triệu đồng, tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả hơn 399 triệu đồng.
Ngoài ra, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Nhâm về việc phát mại tài sản bảo đảm là sổ đỏ thửa đất số 180, tờ bản đồ số 9, diện tích hơn 74m2 tại khu Lộ Cương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương theo hợp đồng vay tiền và thế chấp tài sản ngày 8/9/2010.
Hợp đồng này bị tuyên vô hiệu, nên HĐXX buộc vợ chồng ông Nhâm phải trả lại sổ đỏ trên cho vợ chồng ông Nức.
Tài liệu thể hiện, ngay sau khi có bản án phúc thẩm, vợ chồng ông Nhâm đã làm đơn gửi Chi cục THADS TP Hải Dương yêu cầu thi hành án. Đến ngày 24/8/2022, Chi cục THADS TP Hải Dương ra quyết định thi hành án theo yêu cầu. Chấp hành viên Nguyễn Thị Điệp được phân công tổ chức thi hành án.
"Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này" - quyết định của Chi cục THADS TP Hải Dương nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ông Nhâm, đến nay đã gần 2 năm kể từ ngày Chi cục THADS TP Hải Dương ra quyết định thi hành án theo yêu cầu nhưng vợ chồng ông vẫn chưa nhận được quyền lợi.
Nhiều lần mang thắc mắc đến hỏi Chi cục THADS TP Hải Dương, câu trả lời ông nhận được chỉ là lời hứa giải quyết rồi đâu lại vào đó. Và, chưa biết đến bao giờ, vụ việc của mình mới được giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Quý – Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Hải Dương cho biết, sắp tới sẽ tiến hành thi hành án theo yêu cầu của vợ chồng ông Nhâm.
Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Hải Dương nói lý do của việc chậm thi hành án là vì phải xác minh tài sản. Bởi, căn nhà mà vợ chồng ông Nức ở đã bán trước khi vợ chồng ông Nhâm khởi kiện ra tòa. Hiện nay, vợ chồng ông này đang ở một căn nhà khác cùng vợ chồng người con trai.
Căn nhà này, theo ông Quý, vợ chồng ông Nức đã cho người con trai nhưng sổ đỏ vẫn đứng tên vợ chồng ông Nức nên về lý vẫn có thể kê biên. Tuy nhiên, người con trai đang cho rằng, mình có xây dựng, đầu tư trên đất…nên cơ quan thi hành án phải xác minh thêm.
"Sắp tới sẽ làm vụ này thôi" - Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Hải Dương nói.
Ở một diễn biến liên quan, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung – Văn phòng luật sư Interla cho biết, một trong những nguyên nhân khiến bản án dân sự chậm được thi hành xuất phát từ việc người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người được thi hành án.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, nếu người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định, không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về hình sự, theo bà Dung, người phải thi hành án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Không chấp hành án.
Cụ thể, điều luật này quy định, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tẩu tán tài sản sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.