Từ mong muốn tìm mô hình để phát triển kinh tế gia đình và cũng do cơ duyên trong một chuyến công tác được thưởng thức một loại nước dừa với vị ngọt thanh, thơm nhẹ, vỏ mỏng với màu xanh đẹp mắt, anh Tâm đã chủ động tìm hiểu về đặc tính, kỹ thuật trồng dừa xiêm xanh này và đem về trồng tại địa phương.
Theo anh Tâm, trồng loại dừa này tuy dễ mà khó. Theo đó, sau 15 tháng dừa đã ra quầy, 1 tháng ra 2 buồng: buồng chị, buồng em, với số lượng từ 15-35 trái/buồng, sau 17 ngày thì có thể thu hoạch đợt tiếp theo.
Loại dừa xiêm xanh lùn này cũng cho trái quanh năm và mỗi năm dừa có thể cho 18-20 buồng. Tuy nhiên, phải chăm sóc dừa đúng kỹ thuật, đảm bảo đủ nước tưới vào mùa nắng nóng nếu không cây sẽ bị suy không ra buồng và khó nhất là khâu phòng trừ đuông dừa phá hoại.
Do đó, phải thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện dịch bệnh, có cách xử lý kịp thời.
Thời gian đầu, anh chỉ trồng vài chục gốc dừa trên đất nhà, sau khi cho trái anh giới thiệu cho nhiều người biết, thưởng thức và tìm mua.
Anh Tâm, nông dân ấp Phước Bình, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, (tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập cao từ mô hình trồng dừa xiêm xanh lùn. Theo anh Tâm, cây dừa xiêm xanh lùn sau khi trồng 15 tháng là bắt đầu cho trái và cho trái quanh năm.
Anh Tâm đã mở rộng diện tích trồng dừa xiêm xanh lùn lên 10ha, đồng thời, đưa giống cho người dân địa phương trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng cây và sau đó thu hoạch lại trái dừa để xuất bán và lấy tên sản phẩm “Dừa xanh lục Thiên Thanh”.
Đến nay, sản phẩm dừa xiêm xanh lùn đã được nhiều người biết đến, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ rộng từ các tỉnh miền Nam đến một số tỉnh phía Bắc.
“Ưu điểm của giống dừa xiêm xanh này là có 2 mo nang. Vỏ dừa rất mỏng, trái không to, nhưng lượng nước bên trong vẫn nhiều và có vị ngọt, thơm.
Dừa xiêm xanh lùn cho trái sớm, sai, mang lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài. Mỗi ngày, vườn dừa thu hoạch trung bình khoảng 1.500 trái, cao điểm lúc bỏ mối cho thương lái có thể hái 10.000 trái/ngày.
Hiện, dừa xiêm xanh loại 1 có giá 11.000 đ/trái, loại 2 từ 7.000- 10.000 đ/trái. Sau khi trừ chi phí thì còn lợi nhuận cao. Thời điểm này, mặt hàng dừa rất hút hàng, hái bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường”- anh Tâm chia sẻ.
Để hạn chế chi phí phân bón, anh Tâm còn tận dụng diện tích vườn trống trồng cỏ để nuôi bò và nuôi cá dưới ao, sau đó, dùng phân bò, phân cá bón cho cây dừa. Không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp dừa phát triển tốt, đạt chất lượng.
“Định hướng thời gian tới, sẽ mở rộng diện tích trồng dừa thêm 20ha. Hiện, tôi cũng đã trồng thử nghiệm dừa này ở tỉnh An Giang, Long An, Kiên Giang…
Về lâu dài, khi thị trường dừa tươi có bão hòa thì sẽ tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm được chế biến từ dừa như kem dừa, rau câu dừa, sương sâm dừa, sinh tố kem dừa, dừa nướng… Tôi mong muốn sẽ đưa sản phẩm dừa Vĩnh Long đi xa hơn và khẳng định thương hiệu trên thị trường”- anh Tâm tâm huyết nói.
Không chỉ là mô hình phát triển kinh tế gia đình, anh Tâm còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Đang thử dừa lên độ cơm để hái giao cho thương lái, anh Nguyễn Hoàng Duy (TX Bình Minh) cho hay: “Nhờ có vườn dừa của anh Tâm mà tôi có thêm việc làm từ việc hái dừa, mỗi ngày từ 400.000- 500.000đ”.
Bà Lê Thị Bình Cư- Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho hay: Sản phẩm “Dừa xanh lục Thiên Thanh” đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của huyện năm 2023.
Đây là mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định và tiềm năng phát triển về lâu dài. Trồng dừa vừa dễ thực hiện lại ít công chăm sóc nên đã có những hộ dân học hỏi phát triển mô hình.
Về phía anh Tâm cũng đã có kết nối với các hộ dân xung quanh để liên kết sản xuất. Hiện địa phương đang có hướng nhân rộng phát triển mô hình và khuyến khích các hộ dân thực hiện, mở rộng diện tích trồng để cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Thời gian tới, xã Lộc Hòa (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) sẽ tích cực hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, đồng thời, có hướng hỗ trợ thêm để hộ kinh doanh đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao mẫu mã sản phẩm, để sản phẩm đi xa hơn.